Thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 110.300 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3%, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một DN có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đây. Nếu giai đoạn 2017-2022, vốn đăng ký bình quân trên 10 tỷ đồng/DN, thì năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/DN.
Nhìn vào số liệu này, PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN vẫn còn gặp khó khăn. Tương tự, bà Phí Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cũng cho rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN vẫn còn gặp khó khăn, nhưng khó khăn đó chỉ là tạm thời khi mà đa số các DN chỉ tạm thời ngừng kinh doanh trong thời gian ngắn hạn. Bà Nga dẫn chứng, trong hơn 110.000 DN rút lui khỏi thị trường 6 tháng đầu năm nay, thì phần lớn là DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,7%); số DN giải thể và chờ làm thủ tục giải thể chỉ chiếm 35,3% và tập trung chủ yếu ở nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 88,7%).
“Một thống kê nữa cũng đã chỉ ra khó khăn của DN chỉ là trước mắt, tạm thời. Cụ thể, số lượng DN nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung chủ yếu trong tháng 1/2024 (53.900 DN), chiếm 49% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, và xu hướng cải thiện rõ rệt trong các tháng tiếp theo, với số lượng DN rút khỏi thị trường bình quân mỗi tháng là 18.400 đơn vị. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 119.600 đơn vị, mức cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 và cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ DN gia nhập và tái gia nhập/DN rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là 108,4%. Đây cần được xem là tín hiệu tích cực”- bà Nga nói. Tuy nhiên, theo bà Nga, để hoạt động kinh doanh tốt DN cần phải chủ động thay đổi và thích ứng.
Được biết, để hỗ trợ DN gia nhập, tái gia nhập thị trường, Tổng cục Thống kê đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giảm áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh. Các DN mong muốn Nhà nước tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn; tạo sự ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ DN mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm…