Doanh nghiệp đau đầu với bài toán nhân lực

Lê Bảo 16/09/2022 07:00

Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) vừa có một cuộc khảo sát về những vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp sau những khó khăn từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kết quả cho thấy, có đến 53% doanh nghiệp cho biết là họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị kéo giảm.

Nỗi lo thiếu hụt nhân lực

Thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có trình độ cao đang là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đau đầu. Nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của ngành thương mại điện tử (TMĐT), nhưng theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), ngành này đang trong cảnh “giật gấu vá vai” vì thiếu nhân lực. Theo báo cáo của Vecom, hiện mới có 30% nhân lực ngành TMĐT trải qua đào tạo chính quy; 55% đến từ các ngành có liên quan gần (như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin), 15% còn lại đến từ các ngành nghề khác.

Đề cập vấn đề đào tạo, ông Trần Mạnh Cường, chuyên gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Công ty Công nghệ Sapo) chia sẻ, khi tuyển dụng sinh viên ngành TMĐT vào làm việc, DN phải thực hiện đào tạo lại gần như toàn bộ.

Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh (FALMI), sau dịch Covid -19, nhu cầu sử dụng lao động của ngành Dệt may tại TP Hồ Chí Minh tăng rất cao, song khả năng đáp ứng còn hạn chế. Tính bình quân, các DN dệt may ở TP Hồ Chí Minh trong năm nay cần thêm 20.000 - 22.000 lao động, nhưng chỉ khoảng 1.000 người có nhu cầu tìm việc trong lĩnh vực này.

Tương tự với ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho biết, các DN trong ngành cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Hiện nay, lượng lao động tại các DN đã giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch Covid-19, đặc biệt là lượng lao động có tay nghề; hay ngành thủy sản, với đặc thù là sản xuất theo mùa vụ và cao điểm sản xuất thường rơi vào các tháng từ giữa năm trở đi.

Tại Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập do Văn phòng Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng của người lao động Việt Nam còn hạn chế chính là một trong những điểm nghẽn cản trở phát triển của thị trường lao động.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - đại diện Manpower tại Việt Nam cho biết, theo một khảo sát của Manpower, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có tay nghề cao chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN nhất là trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao. Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam bị hạn chế. Khi các DN đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động Việt Nam bị hạn chế.

Gỡ điểm nghẽn

Thực tế cho thấy, sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, lĩnh vực giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng được sự phát triển các ngành nghề mới, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các DN còn hạn chế... Do đó, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thích hợp thúc đẩy tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề.

Trước vấn đề thiếu hụt lao động, đại diện cộng đồng DN, VCCI cho rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành chỉ quy định ưu đãi cho doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc. Các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp nên đã làm hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến, đó là các chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động trong doanh nghiệp. Cần có cơ chế, chính sách thích hợp hơn để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tự đào tạo lao động.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để phục hồi, ổn định thị trường lao động, các giải pháp trước mắt cần triển khai đó là khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài. Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đau đầu với bài toán nhân lực