Kinh tế

Doanh nghiệp đưa hàng vươn khơi

T.Hằng – P.Vân 20/02/2024 08:00

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa còn rất lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính chủ động kết hợp với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội cho xuất khẩu hiệu quả hơn.

anhthaycover.jpg
Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Quang Vinh.

Khai mở thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho biết, ngày 15/2 vừa qua công ty đã khẩn trương đưa hàng ra cảng Cát Lái (TPHCM) thẳng tiến đến thị trường Australia. Chuyến hàng đầu năm gồm 2 container, mỗi container chứa khoảng 18 tấn cà phê các loại (cà phê nhàu, cà phê xoài, cà phê muối...) sẽ cập bến tại Australia khoảng 18 ngày sau đó. Ngoài ra, công ty cũng đang khẩn trương hoàn tất việc xuất 1 container cà phê đi thị trường Mỹ.

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM), chi cục đã làm thủ tục thông quan cho 190 tờ khai hàng xuất khẩu, với kim ngạch đạt trên 9,4 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản, đồ gỗ, thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc, các nước châu Âu...

Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam đã có 33 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 6 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có sự suy giảm so với năm trước nhưng nền kinh tế vẫn duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp. Năm 2024, mục tiêu đặt ra là xuất khẩu tăng trưởng 6% so với năm 2023. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, muốn đưa được hàng hoá vươn khơi buộc doanh nghiệp (DN) khai mở thị trường xuất khẩu càng sớm càng tốt. Song điều đáng mừng là hàng hóa của Việt Nam đã có bề dày xuất ngoại, tranh thủ được cơ hội sẽ gia tăng được việc chiếm lĩnh thị trường.

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cả năm 2023, kim ngạch đạt 40,3 tỷ USD, giảm gần 9%, tương đương 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Cũng theo báo cáo của VITAS, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như: đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh. Đồng thời, nhiều hệ thống bán lẻ, siêu thị đã hỗ trợ các DN dệt may đưa sản phẩm vào bán lẻ. Theo đó, Walmart đã có văn phòng đại điện tại TPHCM để thực hiện tìm kiếm và thu mua hàng hóa của Việt Nam. Bà Rama Chug - Phó Chủ tịch phụ trách thu mua và may mặc của Walmart đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển và mở rộng thêm thị phần trong Walmart.

Nhãn hàng Nike cũng đang đưa ra chiến lược tương tự. Bà Angela Ho - Tổng giám đốc Nike Việt Nam cho biết, Nike đang nỗ lực gia tăng khả năng chống chịu cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Cụ thể là đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tự động hóa và phát triển năng lực cho đội ngũ nhân sự trong nội bộ công ty và cả các nhà cung cấp.

Hiện nay hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam đã vươn rất xa, có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ chỗ các DN dệt may xuất khẩu sang khoảng 80 thị trường trên thế giới thì đến nay đã xuất khẩu sang hơn 104 thị trường. Mục tiêu ngành dệt may đề ra đến năm 2030 là tăng trưởng khoảng 6,8 - 7,2% mỗi năm và mục tiêu đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu 68 - 70 tỷ USD.

Nhiều DN trong các ngành chế biến nông sản, thủy sản cũng đã phát triển thêm các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi… để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Việc này có nhiều thuận lợi bởi Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường mới còn nhiều tiềm năng. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Chủ tịch Hiệp hội Rau, quả Việt Nam, xuất khẩu rau, quả Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc nhờ các mặt hàng chủ lực như: sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài,… Cũng theo ông Nguyên, kim ngạch xuất khẩu năm nay kỳ vọng có thể đạt 6,5 tỷ USD.

baitren.jpg
Dệt may đã xuất khẩu đến 104 thị trường trên thế giới. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ động nắm bắt thông tin thị trường

Xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Để xuất khẩu tăng mạnh và thị trường ngày càng lớn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các DN ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đều đã phải trả lời được câu hỏi một cách rõ ràng bán cái gì, bán hàng ở đâu, cho ai, thậm chí với giá bao nhiêu? Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của thị trường.

Giới chuyên gia cho rằng tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn. Thị trường xuất khẩu vẫn còn lớn, nhất là thị truờng các đối tác trong các hiệp định. Kinh tế thế giới 2024 có nhiều tiềm năng phát triển khi kiểm soát lạm phát tiến bộ công nghệ phát triển làm bùng nổ tổng cầu, mở rộng khả năng tăng chi tiêu.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi, kinh tế Mỹ có xu hướng ổn định, châu Âu mặc dù có xung đột song sẽ có chiến lược thích ứng, không dẫn đến lao dốc, các rào cản tuy có tăng song DN Việt có khả năng thích nghi cao và có thể tìm thấy nhiều cơ hội mới, theo quan điểm lạc quan.

Trong bối cảnh đó cần tăng cường tìm kiếm thị trường, hiểu rõ rào cản để thích ứng và liên tục thực hiện ngoại giao kinh tế quyết liệt, tiếp tục cải thiện môi truờng kinh doanh triệt để hơn nữa nhằm tiết giảm thời gian và chi phí cao nhất cho DN, ổn định giá cả, duy trì lạm phát thấp, thực hiện triệt để các gói hỗ trợ và phục hồi.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. “DN xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải thực sự chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ DN thâm nhập thị trường trực tiếp nhất” – ông Phú nói đồng thời cho hay, năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công thương sẽ tập trung vào các định hướng, bao gồm đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững; Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao ở trong nước và quốc tế...

Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ quan quản lý, các DN, ngành hàng địa phương cần tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời. Đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc, có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Thương vụ sẽ hỗ trợ DN tham gia hội chợ, xúc tiến xuất khẩu tại Hoa Kỳ. Đồng thời, hỗ trợ DN kết nối các đối tác, xác minh tư cách pháp nhân nhằm tránh các rủi ro trong giao dịch thương mại cho doanh nghiệp…

tran_phu_lu.jpg

Theo ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ TPHCM nói riêng, các địa phương nói chung cập nhật thông tin thị trường; làm cầu nối kết nối giữa địa phương và DN trong nước với nhà nhập khẩu… giúp triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu. Năm 2024, TPHCM xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, tiếp tục đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, đột phá tại thị trường mới như châu Mỹ La tinh, thị trường Halal… Tập trung xúc tiến kết nối giao thương giữa DN thành phố và DN nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng đó, hỗ trợ tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn nhằm hỗ trợ cho nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đưa hàng vươn khơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO