Các chuyên gia khẳng định, cơ chế thông thoáng cùng với hội nhập kinh tế đang tạo điều kiện tốt để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển quá chênh lệch giữa các thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đang dần đóng vai trò chủ lực, trong khi rất nhiều DN nội gặp khó khăn. Nỗi lo doanh nghiệp trong nước teo tóp đã được giới chuyên gia kinh tế không ít lần cảnh báo.
DN FDI thể hiện sự vượt trội về quy mô đầu tư, kim ngạch xuất khẩu
cũng như sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Doanh nghiệp FDI vượt trội
FDI tạo ra lợi ích nhưng không tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng mà chúng ta mong đợi. Thiết nghĩ thời gian tới nên tập trung dòng vốn FDI mang công nghệ, việc làm, giá trị gia tăng cho Việt Nam. Còn những FDI khai thác tài nguyên thì không nên. Nói tóm lại, dòng vốn nào tác động tích cực đến cho nền kinh tế thì chào đón, ngược lại thì cần hạn chế - TS. Huỳnh Thế Du. |
Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho hay, trong thời gian tới điều kiện phát triển hoàn toàn thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế nếu các doanh nghiệp biết biến thách thức thành cơ hội. Song bất cập lớn nhất hiện nay là nguy cơ tồn tại “2 nền kinh tế” không cân xứng trong một quốc gia. DN FDI ngày càng thể hiện sự lớn mạnh, DN trong nước chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn với hàng loạt khó khăn chực chờ. Sự lớn mạnh của DN FDI thể hiện rõ qua kim ngạch xuất nhập khẩu. Đơn cử, trong quý I-2016 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 37,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối DN FDI kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27,1 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực kinh tế trong nước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%. Thực tế cho thấy, không riêng kim ngạch xuất nhập khẩu của 3 tháng đầu năm mà bất kỳ năm nào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối FDI vẫn chiếm tỷ lệ 60 – 70%. DN FDI luôn lấn lướt kim ngạch xuất khẩu ở một số ngành như điện tử, dệt may… Đối với kim ngạch của ngành linh kiện và điện, điện tử đa phần là sự đóng góp của Samsung, Microsoft rồi LG,… Với một số ngành khác DN FDI cũng là những ông chủ lớn tạo ra gia trị gia tăng cao góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn nhận từ kế hoạch và chiến lược phát triển của DN FDI các chuyên gia kinh tế cùng chính quyền địa phương phải tấm tắc khen ngợi về sự lớn mạnh từ quy mô, nguồn vốn, quản trị, công nghệ, nhân lực…
Các nhà đầu tư nước ngoài cho hay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nếu DN muốn “rót” vốn. Bằng chứng cho thấy, 44% DN chọn Việt Nam vì thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân, 29% DN nước ngoài chọn vì chi phí rẻ, 18% lựa chọn do có lượng nhân công dồi dào. Nguyên nhân dẫn đến lực hút FDI còn do các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương được ký kết, thị trường bất động sản hồi phục, Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, lao động dồi dào giá rẻ, chính sách hỗ trợ kinh doanh hết sức tối ưu, vì vậy Việt Nam tiếp tục trở thành điểm dừng chân lý tưởng. Dự báo về dòng chảy FDI, TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên đại học Fulbright khẳng định, thời gian tới Việt Nam sẽ thu hút một lượng lớn nhà đầu tư ngoại, tương tự thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO.
Doanh nghiệp nội cần tái cơ cấu, nâng cao năng suất
để tăng sức cạnh tranh. (Ảnh: TTXVN).
Doanh nghiệp nội - trụ cột nền kinh tế
Nhìn nhận thực tế phát triển của DN FDI, nhiều người cảm thấy lo lắng cho sự phát triển chậm chạp của DN nội. Bởi vì sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quá phụ thuộc vào DN FDI. PGS. TS Trần Đình Thiên quan ngại: DN FDI ngày càng phình to về quy mô thì DN trong nước lại cứ li ti dần đều thì liệu chúng ta chiến đấu như thế nào trong thời gian tới – thời điểm hội nhập sâu, cạnh tranh gay gắt?
Lo ngại hơn, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa đặt câu hỏi, Samsung đầu tư nhiều nhưng DN Việt có thể làm được cái gì trong chuỗi giá trị của Samsung hay không? Việt Nam có đến 4 khu vực kinh tế nhưng 3/4 kim ngạch thuộc FDI.
Trước sự thụ động của DN trong nước, không ít chuyên gia cho rằng, DN Việt gần “đèn” nhưng không thấy “sáng” hơn. Mặc cho DN FDI lớn mạnh về quy mô, công nghệ DN Việt vẫn lẹt đẹt theo sau. “Thu hút vốn FDI nhưng không có tính gắn kết cao nên mạnh ai nấy làm. DN FDI đang lấn lướt trên thương trường xuất phát từ nhiều ưu điểm chủ quan và khách quan”, ông Trương Đình Tuyển lên tiếng. Bức xúc của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế nhận định hoàn toàn có lý vì việc mở cửa thị trường trong nước cho FDI, đồng nghĩa với việc hy sinh thị trường để đổi lấy công nghệ và khi đã có công nghệ thì sẽ lấy lại thị trường. Song, thực tế hoàn toàn khác xa với mong muốn. DN trong nước chưa tiếp cận được dây chuyền sản xuất công nghệ, chưa tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm cùng các DN FDI. PGS. TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng, DN đang bị trói buộc về hành chính nên không tự tin trong cạnh tranh, không mạnh dạn bơi ra biển lớn. Điều cần làm nhất hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi, công bằng trong môi trường đầu tư, tránh tình trạng quá thiên vị bằng các hình thức như: ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế đất… cho DN FDI mà bỏ quên đi trụ cột của nền kinh tế - DN nội.
Tôi cho rằng, chúng ta phải nhanh chóng hoàn chỉnh luật lệ, hướng dẫn DN, tạo một hệ thống đồng bộ thống nhất để đáp ứng yêu cầu DN. Nhà nước phải có quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, bố trí mặt hàng, khai thác thị trường, tăng cường tổ chức thị trường bất động sản, thị trường vốn, bảo hiểm... Chính phủ có thể giúp các DN đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua các biện pháp như sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và các biện pháp tự vệ, quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... phù hợp cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết - TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Q.Hưng |