Công nghiệp ô tô đang nhập khẩu tới 80% linh kiện sản xuất. Giới chuyên gia cho rằng, muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững, Việt Nam cần hình thành những doanh nghiệp nội địa có tiềm lực mạnh, vươn lên làm chủ công nghệ và nắm vai trò dẫn dắt...
Chưa đạt được mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa
Số liệu thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, hiện ngành công nghiệp ô tô nước ta đang phải nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Hiện cả nước có 377 doanh nghiệp (DN) ô tô, trong đó có 169 DN FDI, chiếm tỉ lệ 46,43%. Số liệu này cho thấy, số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Theo mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp ô tô, năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa là 30 - 40%, năm 2025 là 40 - 45% và năm 2030 là 50 - 55%. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Cụ thể, hiện Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Chưa hết, ngành ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các phụ tùng có công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp... Những linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn. Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng nhận định, hiện tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Chính vì thế, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam được nhận định vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Ông Nguyễn Công Quyết, đại diện VAMA cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô vẫn đang ở giai đoạn 1 (giai đoạn duy trì). Các DN chủ yếu sản xuất ra những linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh. Một trong những vấn đề chính là do quy mô thị trường ô tô còn nhỏ bé, dẫn đến sản xuất nhỏ, khó phát triển chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, theo nhận định của TS Trương Thị Chí Bình - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam chia làm 2 nhánh: Những hoạt động có giá trị cao, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Còn các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những DN nhỏ và vừa trong nước.
Hệ sinh thái cho ngành công nghiệp ô tô
Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải, để đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi sản lượng lớn và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng đối với công nghiệp hỗ trợ. Xu hướng chuyển đổi sang xe xanh là tất yếu, chúng ta nói nhiều về chip bán dẫn, công nghệ mới, về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lại chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể.
Giới chuyên gia nhận định, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam. Muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững, Việt Nam cần hình thành những DN nội địa có tiềm lực mạnh, vươn lên làm chủ công nghệ và nắm vai trò dẫn dắt, kéo theo các DN khác tham gia chuỗi cung ứng, đưa công nghiệp ô tô đi lên.
Nói về vấn đề này, GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm, Thái Lan là quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tổng giá trị ngành công nghiệp ô tô mang lại cho Thái Lan hàng nghìn tỉ bath mỗi năm. Hiện Thái Lan có gần 600 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cho sản xuất lắp ráp ô tô. Trong khi đó con số này ở ta lần lượt là, chưa đến 100 nhà cung cấp cho cấp 1 và 150 nhà cung cấp cho cấp 2,3.
Được biết, hiện trong nước có Thaco và VinFast đạt tỉ lệ nội địa hóa cao. Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các DN đầu chuỗi như Thaco, Vinfast có vai trò quan trọng trong việc tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp ô tô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.