Doanh nghiệp nội: Loay hoay giữ thương hiệu

Nhật Minh 09/08/2016 09:00

Càng hội nhập sâu rộng, nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam đánh mất thương hiệu càng lớn. Nói cách khác, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn như bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài chính tại nội địa, bị cạnh tranh không lành mạnh, bị khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới… Lâu nay, bài toán giữ thương hiệu vẫn chưa có lời giải.

Doanh nghiệp nội: Loay hoay giữ thương hiệu

Nước mắm Phú Quốc từng bị đánh cắp thương hiệu.

Đặc sản Việt bị làm giả tràn lan

Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ về thực trạng, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị gắn nhãn mác của nước họ để bán với giá cao tại thị trường nước này. Không chỉ hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị “thay tên đổi họ” mà sang nhiều thị trường khác trên thế giới, hàng Việt Nam cũng chịu cảnh tương tự.

Ngay tại thị trường trong nước, nhiều sản phẩm may mặc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng cũng bị gắn mác “made in Việt Nam” để lừa phỉnh người tiêu dùng. Bị đánh mất thương hiệu hoặc bị khai thác thương hiệu một cách bất lợi chính là điểm yếu của các sản phẩm “made in Việt Nam” lâu nay, song đến thời điểm này, đây vẫn là một bài toán khó giải. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bị đánh mất thương hiệu về tay “người ngoài” ngày càng hiện hữu.

Hẳn dư luận xã hội vẫn chưa quên phi vụ thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột hay kẹo dừa Bến Tre bị người Trung Quốc ngang nhiên đánh cắp. Còn ở thời điểm hiện tại, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, phở của Việt Nam… đã được người Thái Lan “đường đường chính chính” gắn thương hiệu lên sản phẩm của họ để xuất khẩu ra nước ngoài. Ai cũng biết phở là một món ăn đặc sản của Việt Nam, thế nhưng tại một số thị trường nước ngoài, người ta lại biết đến phở xuất xứ từ Thái Lan. “Rõ ràng, họ (người Thái) đã quá nhanh nhạy khi sử dụng món đặc sản của chúng ta để khai thác tại thị trường nước ngoài, vì đây là món được nhiều người dân phương Tây ưa chuộng. Khi chúng ta chậm chân, không nhạy bén để chớp lấy thời cơ, thì sẽ không chỉ phở, mà còn rất nhiều món đặc sản khác của Việt Nam sẽ bị người ta dành lấy” – một chuyên gia nhận định. Vị chuyên gia này cho biết, không chỉ nước mắm, phở mà các sản phẩm được làm từ gạo như bún, mì… những mặt hàng là thế mạnh của các DN Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng song lại bị người Thái, người Trung Quốc sử dụng “giả danh” để xuất khẩu hàng của họ…

Chậm chân là mất

TS. Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ từng thừa nhận: Thực trạng công tác phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia ở nước ta còn nhiều bất cập, khó khăn, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, của cộng đồng DN. Theo ông Đức, nhiều DN Việt Nam có hàng xuất khẩu thường phải chịu thiệt đơn thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Điều này đã dẫn đến thực trạng, nhiều người nước ngoài không biết đến hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

“Thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập rất lớn như: Bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa; vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay bị khai thác một cách bất hợp lý trên thị trường thế giới…” – TS. Bùi Thế Đức quan ngại. PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường Đại học Thương mại, cho rằng, đã đến lúc các DN Việt cần chủ động hơn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, như vậy là bảo vệ cho chính sự sống còn của DN cũng như uy tín, danh dự của DN.

Còn theo giới luật sư, các DN không chỉ bán hàng ở trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài. Để có thể giữ được thị trường, cao hơn là mục tiêu phát triển mạnh mẽ thương hiệu sản phẩm ra toàn cầu, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của DN là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở trong nước thì chỉ có giá trị pháp lý trong nước, ra nước ngoài không có giá trị. Vì vậy các DN phải quan tâm hơn đến việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Bởi vậy, theo TS. Đức, việc đẩy mạnh, nâng cao nhận thức cho mỗi doanh nhân trong việc bảo vệ thương hiệu, có trách nhiệm giữ gìn thương hiệu là việc vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nội: Loay hoay giữ thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO