Kinh tế

Doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu

QUỐC ĐỊNH 23/02/2024 07:41

Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp một số lĩnh vực như gỗ, hạt điều, thủy - hải sản, rau củ quả, lương thực… tại các địa phương phía Nam đã nắm bắt cơ hội từ nhu cầu thị trường quốc tế để tăng tốc.

baitren.jpg
Đoàn tàu bao gồm 21 toa khởi hành chuyến đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 chuyển hàng nông sản từ Ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.

Ngành gỗ dẫn đầu về doanh thu

Gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm các ngành hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp đạt giá trị tỷ USD ngay trong tháng đầu năm, ước tính tháng 1 và tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu chạp mốc 2 tỷ USD, chiếm gần 30% trong tổng số giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Thị trường xuất khẩu gỗ chính của nước ta bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước này chiếm khoảng 80% tổng số các mặt hàng gỗ Việt Nam.

Ông Hà Quốc Minh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Hải Minh (Bình Dương) cho biết, cũng như các doanh nghiệp (DN) gỗ cả nước, năm ngoái việc kinh doanh của công ty ông không mấy thuận lợi, tổng doanh thu đạt 18 triệu USD, chỉ bằng 90% chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bước vào năm 2024, tình hình xuất khẩu của công ty rất tích cực đã ký được 4 hợp đồng lớn xuất đi Mỹ và các nước châu Âu nên định mức kinh doanh năm nay đặt cao hơn năm ngoái 2 triệu USD.

“Mục tiêu này nhiều khả năng sẽ đạt và vượt, bởi riêng gần 2 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 30% kế hoạch năm, ước tính đến hết quý II, sau khi thực hiện hết các hợp đồng vừa ký doanh thu sẽ đạt 80% kế hoạch đề ra” - ông Minh chia sẻ.

Xuất khẩu hạt điều cũng ghi nhận có mức tăng trưởng cao. Thống kê gần 2 tháng đầu năm ước đạt gần 400 triệu USD, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Trần Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Đạt Thịnh (tỉnh Bình Phước), ngành điều có lợi thế là nửa cuối năm 2023 nhu cầu và giá cả tăng cao. Bên cạnh đó, hạt điều Việt Nam có chất lượng, sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới nên các DN trong nước có thể cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường, cũng như chủ động được phần nào về giá bán.

Ông Hưng cho hay, quý IV/2023, công ty đã ký được một số hợp đồng xuất khẩu lớn với 450 tấn hạt điều vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, Trung Đông. Nhờ đó, vào tháng 1 và tháng 2/2024, DN đã xuất khẩu được gần 200 tấn. “Không chỉ mức tiêu thụ cao mà giá thành cũng tăng mạnh (27%) so với cùng kỳ. Vì vậy ngành điều hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm kinh doanh thành công” - ông Hưng nói.

Doanh nghiệp tích cực chạy đơn hàng

Trong số các mặt hàng truyền thống, lúa gạo cũng là mặt hàng được ghi nhận có sức tăng trưởng cao ở những ngày đầu năm. Điển hình phải kể đến hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty cho hay, DN đang tích cực thực hiện để trả các đơn hàng đã ký từ trước Tết Nguyên đán, cao nhất trong số các hợp đồng là đơn hàng gạo của cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia (Bulog) lên đến 65 nghìn tấn.

Theo tính toán của ông Thuận, các DN gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400 nghìn tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500 nghìn tấn mở thầu cho Bulog. Đối với thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Philippines (chiếm khoảng 40% thị phần), mới đây vừa có biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết. “Những diễn biến này cho thấy sự tiến triển tích cực của lúa gạo Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024” - ông Thuận nhận định.

Hay như Công ty Vina T&T (Bình Dương) đang tích cực xuất khẩu xoài đi Mỹ, Úc; xuất khẩu sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, bưởi, dừa… đi các nước châu Âu. “Thị trường đang rất tốt, những khách hàng từ thị trường truyền thống vẫn đảm bảo kín đơn. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị hàng trái cây để xuất khẩu vào những tháng tiếp theo. Mọi thứ đang rất trơn tru” - ông Nguyễn Đình Tùng - đại diện Vina T&T chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, xuất khẩu rau quả ngay từ đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… nên ngành rau quả đặt mục tiêu năm 2024 sẽ xuất khẩu được khoảng 6,5 tỷ USD. “Cơ sở để ngành rau quả đưa ra mục tiêu này là bởi nhu cầu của thị trường Trung Quốc vẫn còn lớn và Việt Nam dự kiến mở cửa thêm 2 mặt hàng mới là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh. Trung Quốc là thị trường số 1 của rau quả Việt Nam, việc vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ nên không bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt tăng cước tàu tuyến châu Âu, Mỹ gần đây như một số mặt hàng khác” - ông Bình nói.

Nhận định chung về triển vọng của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, thị trường đang phục hồi tốt, nhiều mặt hàng tăng đột biến, trong đó xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng từ 53% đến hơn 80% tùy mặt hàng; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%… “Năm 2023, ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. 2024 là năm tăng tốc và kết quả xuất khẩu tháng đầu năm báo hiệu một năm nhiều thuận lợi” - ông Tiến tin tưởng.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ tính riêng tháng 1/2024, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Nhóm hàng nông lâm thủy sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO