Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Không thể mạnh ai nấy làm

Hồ Hương 08/03/2023 07:00

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về sản xuất và thương mại quốc tế ngày càng gay gắt.

Nhiều doanh nghiệp chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Quang Vinh.

Việt Nam đang nổi lên như điểm đến mới của hàng loạt doanh nghiệp (DN), tập đoàn đa quốc gia. Những anh cả trong làng công nghệ như Samsung, Panasonic hay các tập đoàn đình đám Nike, Adidas, Foxconn, Intel… cũng đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy vậy, DN Việt Nam lại hạn chế khả năng tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhiều DN ngày càng lún sâu hơn vào “bẫy” gia công, lắp ráp.

Doanh nghiệp nội cần sự liên kết để cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững. Ảnh: Quang Vinh.

Vì sao doanh nghiệp Việt khó có mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội từng dẫn số liệu rằng, Việt Nam mới chỉ có hơn 300 DN thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việc các DN Việt Nam không tham gia sâu được vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề. Đó là xuất khẩu của Việt Nam mặc dù rất đáng tự hào nhưng khối DN FDI lại chiếm tới trên 70% thành tích xuất khẩu nói trên.

Bên cạnh đó lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung vẫn dựa trên lợi thế về giá cả do các ưu đãi và lợi thế truyền thống (chủ yếu là do các chính sách ưu đãi, miễn giảm và giá công nhân duy trì thấp trong các lĩnh vực sản xuất gia công - lắp ráp là chính) chứ không phải dựa vào nâng cao giá trị (nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước). Chưa kể là lợi thế so sánh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về sản xuất và thương mại quốc tế ngày càng gay gắt.

Ông Việt cũng cho rằng, tính liên kết giữa các DN ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, có thể nói là còn yếu. Tâm lý kinh doanh của DN nội vẫn kiểu “mạnh ai nấy làm” hoặc “làm tất, ăn cả”; chỉ quan tâm đến việc tìm manh mối làm ăn cho riêng mình, cũng chưa nhận thức được đầy đủ những lợi ích to lớn của việc liên kết thành cộng đồng DN nội địa hoặc giữa DN nội với các DN nước ngoài, thậm chí ngay cả trong những lĩnh vực có thế mạnh (ví dụ như chuỗi sản xuất thực phẩm/nông sản xuất khẩu). Đây chính là điểm yếu cơ bản khiến cho DN Việt khó có mặt ở chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tế cũng chỉ ra mặt bằng chung các DN của Việt Nam đa số còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bị đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào thị trường thế giới nhiều biến động, từ những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn…

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện Việt Nam chưa có DN đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, đến nay đã ghi nhận khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, trong ngành dệt may da giày: 64% DN công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho DN FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% DN cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số DN công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu…

Nhân lênnhững điểm sáng

Tuy nhiên, trong sự hạn chế chung cũng có những DN nổi trội. Nhiều DN đã có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia được chuỗi cung ứng với Mỹ, Nhật, châu Âu...

Bà Đặng Huyền - Công ty MTS Vietnam cho biết, công ty có khoảng 50 sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, máy điện... Đây là những sản phẩm đã tham gia thành công vào chuỗi cung ứng của các DN Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Hay các sản phẩm hàng đầu của Công ty Cát Vạn Lợi trong lĩnh vực thiết bị phụ trợ ngành điện đã được lắp đặt trong các công trình lớn ở Việt Nam và xuất khẩu đến nhiều quốc gia.

Theo ông Nguyễn Ngô Long - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Nhật Long (TP Hồ Chí Minh), sau hơn 20 năm đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, hiện nay các sản phẩm về linh kiện phụ tùng không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cung cấp cho các DN FDI tại Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, công ty định hướng đầu tư mạnh vào trang thiết bị sản xuất hiện đại, cải thiện quy trình hoạt động hiệu quả, kiên trì với mục tiêu sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh so với các linh kiện phụ tùng nhập khẩu.

Còn ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) cho biết, chuỗi cung ứng THACO Industries đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều hãng ô tô nổi tiếng như Kia, Mazda, Peugeot... Hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025, trong đó xuất khẩu đạt 500 triệu USD, THACO Industries sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất, tập trung phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.

Cần thêm chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM cho rằng, nguồn lực của DN Việt Nam nói chung chưa lớn. Một số DN đã mạnh dạn đầu tư song số lượng vẫn quá ít so với nhu cầu của nền kinh tế hiện nay. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho DN.

Theo phân tích của giới chuyên gia kinh tế, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hầu hết các sản phẩm mà DN Việt chế tạo, gia công cho chuỗi cung ứng toàn cầu đều đòi hỏi công nghệ cao, sản xuất tiên tiến. Cho nên, để đáp ứng, tham gia vào chuỗi này, DN phải có tiềm lực để đầu tư nhà xưởng, máy móc và nhân lực đạt chuẩn ngay từ đầu, chứ không thể đầu tư từng bước theo kiểu làm đến đâu hoàn thiện đến đó. Và vốn là yếu tố đầu tiên DN phải tính đến, sau đó là địa điểm xây dựng hạ tầng, rồi tuyển dụng lao động…

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - chuyên gia nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ của Công ty NC Network Việt Nam cho biết: “DN kỳ vọng ở Chính phủ vấn đề vốn và thuế. Đối với DN nhu cầu về vốn rất lớn. Nhiều DN nhìn thấy cơ hội nhưng không dám đầu tư hoặc không có nguồn hỗ trợ nào để đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay mức lãi suất cho vay rất cao thì DN càng quan ngại, cơ hội có nhưng không dám tận dụng”.

Giới chuyên gia khẳng định, công nghệ là yếu tố quyết định tới việc tham gia vào chuỗi cung ứng, kết nối DN trong nước với DN nước ngoài. DN cũng cần thêm nhiều các sự kiện triển lãm, giới thiệu sản phẩm để có cơ hội gặp gỡ, kết nối với nhau.

Để giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết Bộ Công thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến DN công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối DN nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Về dài hạn, giải pháp đặt ra là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp trong nước (chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu DN công nghiệp trong nước).

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa DN trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa DN công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phạm Minh Thắng - Giám đốc Công ty P&Q Solutions:

Hiệu quả trong sản xuất, tránh lãng phí

Thị trường các sản phẩm công nghiệp ngày càng “phẳng” về công nghệ và nguồn cung nên “báo giá cao” và “hệ thống chất lượng kém tin cậy” là hai nguyên nhân chính khiến các DN công nghiệp hỗ trợ, nhất là các DN quy mô nhỏ và vừa không tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Mặt khác, các DN còn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chu trình vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại; chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng nhưng số lượng mỗi loại lại ít đi; nhu cầu thị trường cũng nhanh chóng thay đổi…điều này dẫn đến chi phí vốn của các DN cao trong khi áp lực sinh lời lớn hơn.

Trong bối cảnh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thiếu các đòn bẩy, để cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển bền vững, DN cần phải giải quyết vấn đề hiệu quả trong sản xuất và tránh lãng phí. Cùng với đó, các DN phải đảm bảo chất lượng, giao hàng kịp thời, linh hoạt thích ứng và thỏa mãn toàn diện yêu cầu của khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Không thể mạnh ai nấy làm