Phát triển bền vững, đảm bảo uy tín doanh nghiệp là điều kiện cần thiết trong việc ký kết giao thương, do đó chứng nhận bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường ISO 14001:2015 được coi là chìa khóa hội nhập cho doanh nghiệp.
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng hợp tác kinh doanh và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Phát triển bền vững, đảm bảo uy tín doanh nghiệp là điều kiện cần thiết trong việc ký kết giao thương, do đó chứng nhận bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường ISO 14001:2015 được coi là chìa khóa hội nhập cho doanh nghiệp.
ISO 14001: Công cụ quan trọng
Để làm được điều này ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, tay nghề và trình độ kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường như một yêu cầu không thể thiếu khi hợp tác kinh doanh với các đối tác.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quá trình hội nhập doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và tăng cường uy tín thương hiệu gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm thiểu chất thải đạt được lợi thế cạnh tranh và sự tin tưởng, sự tín nhiệm của các bên liên quan khi hội nhập kinh tế quốc tế.
“Đối với doanh nghiệp, yêu cầu đối với tiêu chuẩn quản lý môi trường, ISO 14001: 2015 là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và là một công cụ kinh doanh quan trọng để hội nhập kinh tế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”- ông Thành nhấn mạnh.
Những lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001: 2015 bao gồm: Ngăn ngừa ô nhiễm, tiết kiệm chi phí đầu vào, chứng minh sự tuân thủ pháp luật, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng nước ngoài, gia tăng thị phần và xây dựng niềm tin giữa các đối tác và các bên liên quan với nhau.
Theo bà Anne-Marie Warris - Chủ tịch Ban Kỹ thuật ISO/TC 207/SC1 (chịu trách nhiệm xây dựng và soát xét tiêu chuẩn ISO 14001): ISO 14001:2015 có thể được áp dụng bởi bất kỳ tổ chức, bất kể quy mô hoạt động hoặc lĩnh vực. Nó đưa ra những tiêu chí cho một hệ thống quản lý môi trường và có thể được chứng nhận; hoạch định ra những khuôn khổ hành động cho một công ty hay tổ chức có thể làm theo để thiết lập một hệ thống quản lý môi trường hiệu quả.
ISO 14001:2015 không quy định các tiêu chí hoạt động môi trường cụ thể nên tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần Tiêu chuẩn tương ứng, phù hợp để cải thiện hệ thống quản lý môi trường của mình, bao gồm cả việc giúp quản lý các vấn đề môi trường một cách toàn diện”.
Bà Anne-Marie Warris nhấn mạnh: Trong thời gian tới, phiên bản mới sẽ giúp tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các vấn đề môi trường, kế hoạch về chiến lược hành động của tổ chức. Tôi có thể thấy trước rằng, quan điểm về vòng đời và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng được đề cập đến trong ISO 14001: 2015 sẽ trở nên ngày một mạnh mẽ trong tương lai. ISO 14001: 2015 là một công cụ có nhiều khả năng mang lại lợi ích kinh tế, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và giúp các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng.
Yêu cầu bắt buộc
Một trong những bài học mà Việt Nam học được từ các nước về việc quản lý chất lượng là một nhu cầu cấp thiết hiện nay, trong đó chất lượng tăng trưởng được quan tâm nhiều hơn chứ không phải tốc độ tăng trưởng. Việc tăng trưởng kinh tế cần đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan bao gồm xã hội và thiên nhiên.
Theo ông Võ Tân Thành, ISO 14001: 2015 hướng đến phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu chất thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng vật liệu mới thân thiện môi trường. Việc giảm chất thải tức là sẽ giảm lượng nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn. Nhiều trường hợp nồng độ ô nhiễm của nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn được giảm về căn bản. Nồng độ và chất thải thấp thì chi phí xử lý sẽ thấp. Nhờ đó, giúp cho việc xử lý hiệu quả hơn và ngăn ngừa được ô nhiễm.
Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần chú trọng tới bảo vệ môi trường
Không chỉ vậy, chứng chỉ ISO 14001: 2015 chứng minh thực tế tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu luật pháp về môi trường mang đến uy tín cho tổ chức, doanh nghiệp. Nó như tấm vé thông hành khi hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho tổ chức, doanh nghiệp và tăng thị phần hiện tại trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, ISO 14001: 2015 cũng giúp thỏa mãn nhu cầu của các khách hàng nước ngoài và xây dựng niềm tin của các bên liên quan.
Điều này rất hữu ích đối với các tổ chức hướng đến việc xuất khẩu. Niềm tin của khách hàng giúp tổ chức, doanh nghiệp tăng thêm nguồn lực từ công chúng và những tổ chức tài chính (quốc gia cũng như quốc tế).
“Để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Chính vì thế, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là hướng đi tất yếu, cần thiết. Các doanh nghiệp cần xác định rõ ISO chi phí áp dụng tiêu chuẩn 14001: 2015 là kinh phí đầu tư chứ không phải kinh phí mất đi” - ông Thành nhấn mạnh.
Tại Việt Nam các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững. Có khoảng 95% doanh nghiệp nhất trí rằng sáng kiến, dự án sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất thiết thực và hữu ích. Nhiều doanh nghiệp đã đưa vào áp dụng hệ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001: 2015.
Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc quan hệ đối ngoại (Tập đoàn Dow Chemical) cho biết, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc trong hội nhập và sử dụng các công cụ hệ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001: 2015 là xu thế tất yếu đối với các quốc gia.