Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi các doanh nghiệp vẫn luôn phải gánh trên vai quá nhiều điều kiện kinh doanh thì không thể nâng được sức cạnh tranh?
Ông Nguyễn Xuân Dương.
700 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh đối với ngành công thương, con số này với ngành tài chính là 490 và với ngành giao thông là 376… Đây là con số được thống kê bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh không hề thoải mái chút nào nếu không muốn nói là rất … chật chội. Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi các doanh nghiệp vẫn luôn phải gánh trên vai quá nhiều điều kiện kinh doanh thì không thể nâng được sức cạnh tranh?
PV: Thưa ông, con số hàng ngàn quy định điều kiện kinh doanh ốp trên vai cộng đồng doanh nghiệp (DN) liệu có thể lý giải là “cần thiết phải làm thế” ?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Chúng ta đang vận hành nền kinh tế theo thị trường nhưng hệ thống pháp luật vẫn còn tồn tại tư duy từ thời bao cấp chuyển sang. Nhà quản lý chỉ muốn cái gì cũng phải được kiểm soát ngay từ đầu. Đây là điều bất cập trong quá trình làm luật của chúng ta hiện nay, kinh tế thì hướng đến thị trường, nhưng quản lý nhà nước vẫn trong tình trạng “nửa bảo cấp, nửa thị trường”.
Ông đánh giá thế thế nào về thống kê của CIEM về điều kiện kinh doanh, riêng lĩnh vực công thương vẫn còn khoảng 700 lĩnh vực quy định điều kiện kinh doanh, trong khi đó ngành giao thông là 376, tài chính 490 và y tế là 327…?
-Về phía DN, chúng tôi mong muốn phải thay đổi nhanh chóng tư duy quản lý kiểu này. Muốn có một nền kinh tế thị trường thực sự, cần thiết chúng ta phải tham khảo từ các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực ASEAN để học hỏi. Còn lúc nào trong tư duy cũng lo lắng rằng “thả ra sẽ khó quản”, rồi quay về làm luật theo hướng “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” thì bao giờ DN của ta mới lớn nổi? Ở các nước, nếu không có dấu hiệu vi phạm luật pháp thì sẽ không bị ai kết tội, nhưng ở ta thì cứ phải “tiền trảm hậu tấu”.
Thưa ông, đã từng có chuyên gia sử dụng hình ảnh cây phả hệ để nói về điều kiện kinh doanh hiện nay, từ 243 điều kiện “mẹ” trong luật đầu tư đã “đẻ” ra khoảng 600 điều kiện kinh doanh “con”, trung bình mỗi mẹ đẻ được 25 “con”. Mỗi con lại có thêm 5 - 6 “cháu”. Theo ông, hình ảnh này nói lên điều gì?
-Theo tôi, điều này thể hiện trình độ làm luật và quản lý của chúng ta thực sự có nhiều vấn đề phải xem lại. Tôi cho rằng, ngay lập tức bất cập này phải được giải tỏa sớm, nếu không sẽ trở thành rào cản cho hoạt động của cộng đồng DN. Tại sao lại có chuyện, nhiều DN dù không có vi phạm gì nhưng vẫn phải đi “xin phép”. Các DN hoạt động mỗi bước đi đều phải có giấy phép, chính các loại giấy phép này đang cướp mất cơ hội kinh doanh cho DN, trong khi chi phí vẫn phải bỏ ra để làm các loại “thủ tục”.
Tôi kiến nghị, Nhà nước phải có định hướng từ Ủy ban Pháp luật nhà nước, Ủy ban pháp luật Quốc hội, tất cả các bộ ngành tập trung “tháo” hết các điều kiện kinh doanh, loại bỏ hết những quy định bất hợp lý đang đè trên vai DN. Vừa qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rất quyết liệt từng bộ ngành phải giải quyết xong những bất cập này. Tôi nghĩ đây là việc cần phải làm ngay, vì hiện nay không phải DN không nỗ lực, cố gắng mà nỗ lực cũng không được vì điều kiện kinh doanh, giấy phép con quá nhiều.
Một biếm họa về thủ tục “hành” doanh nghiệp.
Thực tế, các quy định điều kiện kinh doanh… đã tồn tại lâu nay chứ không phải là câu chuyện mới, vậy tại sao cứ để tình trạng cả rừng điều kiện kinh doanh đè DN như vậy, thưa ông?
-Cuộc “đấu tranh” về các quy định, điều kiện kinh doanh đã diễn ra nhiều năm nay. Người đứng đầu Chính phủ muốn giảm nhưng các bộ lại muốn “lách” để duy trì, thậm chí còn muốn tăng thêm. Câu chuyện cần bàn hiện này là làm thế nào để không xảy ra tình trạng: Sau khi có quyết định của Thủ tướng, sẽ không còn hiện tượng “đẻ” thêm các điều kiện kinh doanh nữa.
Cũng đã có nhiều kiến nghị, nếu cứ “đuổi gà” như thế này thì sẽ không bao giờ có hồi kết. Đơn cử, “ông” Bộ Kế hoạch và Đầu tư tha thiết kêu gọi cắt giảm điều kiện kinh doanh trong khi các bộ khác lại âm thầm tăng thêm thì mọi cố gắng chỉ là vô nghĩa. Nếu không dứt khoát trong việc “bổ sung” vô tội vạ các điều kiện kinh doanh thì DN còn khổ dài dài.
Cơ quan quản lý không “yêu cầu” DN đi xin giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, mà đây là điều kiện phải có, nếu DN muốn hoạt động thì phải đến những nơi cấp giấy chứng nhận để có đủ điều kiện kinh doanh chứ không phải “ép buộc”. Do đó, nếu cơ quan quản lý nhà nước không từ bỏ “quyền lực” của mình đối với DN thông qua kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh thì Quốc hội phải “ra tay” gỡ khó cho DN.
Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ giấy phép thì không biết phải quản lý như thế nào, cho nên các bộ ngành “buộc” phải đẻ ra các điều kiện kinh doanh để dễ bề quản lý?
-Đó là thực tế hiện nay của chúng ta. Tôi cho rằng, Nhà nước chỉ nên can thiệp vào thị trường khi thị trường không tự điều chỉnh được. Không phải ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có điều kiện kinh doanh, với nghề bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy thì cần gì phải điều kiện kinh doanh. Điều này rất phản cảm, Thủ tướng luôn kêu gọi giảm điều kiện kinh doanh để DN dễ thở hơn, kiểm tra thủ tục hành chính 1 năm/lần…nhưng bộ máy bên dưới vẫn tìm đủ mọi cách gây khó khăn cho DN.
Theo ông chúng ta có nên thành lập một “tiểu ban” có nhiệm vụ chính là “cắt xén” tất cả các điều kiện kinh doanh đã và đang gây bất lợi cho cộng đồng DN không?
-Nếu làm được thì quá tốt! Nhưng tôi cũng muốn đặt câu hỏi: Nếu giả thiết là có thì liệu có hoạt động được không? Còn theo tôi, việc cấp thiết lúc này là phải sửa đổi những điều khoản trong luật gây cản trở hay tạo thêm áp lực cho DN. Làm luật và đưa luật vào cuộc sống phải nhanh, phải thông thoáng và những con người vận hành luật phải có “chất lượng” là điều DN luôn mong mỏi.
Trân trọng cảm ơn ông!