Sau nhiều kỳ điều chỉnh, giá mặt hàng xăng dầu đều đã chạm 33.000 đồng/lít, kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán chi phí và bình ổn giá trong kinh doanh.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Nói như Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, DN không muốn bị tụt hậu, bản thân DN luôn tìm cách vươn lên tuy nhiên phải đang đối mặt với không ít khó khăn.
Trước hết, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường như cuộc xung đột tại Ukraine, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định, bình ổn giá hiện nay không đơn thuần là kiểm soát về mặt giá cả mà cần có sự tập hợp nhiều ngành công nghiệp khác nhau, kể cả ngành dịch vụ, tiêu dùng, du lịch... Hiện phía DN đã chuẩn bị lượng hàng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 50-100% so với đầu năm 2022 để đảm bảo nguồn hàng ổn định, tránh biến động giá.
Còn đại diện Công ty TNHH Ba Huân cho hay, DN đã phải xây dựng các điểm trung chuyển hàng hóa, mở các cửa hàng gần hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí khi giá xăng dầu tăng. Tương tự, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc cho hay, trong bối cảnh biến động giá cả hàng hóa do ảnh hưởng từ giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp đã chủ động đàm phán cùng đối tác nhằm nỗ lực kìm giá, đặc biệt với nhóm hàng nhu yếu phẩm.
Nhiều DN cho biết sẽ chú trọng hơn vào việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán trực tuyến. Bởi theo một khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, phần đông người tiêu dùng đang thay đổi hành vi mua sắm do quan ngại về giá cả, trong đó họ sẽ chú trọng nhiều hơn đến mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà. Do đó, các DN phải nắm bắt xu thế này để không chỉ bình ổn về giá cả mà còn hướng đến đúng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ghi nhận trên thị trường, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang tăng mạnh, giá trứng gà tại nhiều chợ truyền thống mức 35.000 đồng/chục - 40.000 đồng/chục; Gà ta loại 1 ( thả đồi) tăng lên 150.000 – 160.000 đồng/kg; gà ta loại 2 ( nuôi bằng thóc) có giá 140.000 đồng/kg; đường chất lượng cao 35.000 đồng/kg; dầu ăn 132.000 đồng/can 2 lít…
Có thể thấy, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao đang gây áp lực rất lớn tới DN bình ổn giá. Để giữ giá rẻ hơn, DN đã phải cắt giảm nhiều chi phí như bao bì, marketing… và tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế là kích cầu tiêu dùng nội địa. Người dân chi tiêu nhiều hơn thì DN mới bán được hàng, phục hồi nhanh chóng sản xuất. Tuy nhiên, với những biến động về giá cả như hiện nay thì các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần có cách ứng xử phù hợp, vừa tránh cú sốc cho thị trường nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp an tâm sản xuất, có động lực để phát triển.
Tại cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bàn về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháp gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 vừa diễn ra, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho biết thách thức đối với DN, ngành hàng về chi phí sản xuất, giá bán đầu ra, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng... là rất lớn.
Từ đó, DN mong muốn được hỗ trợ để có thể mau chóng phục hồi, đảm bảo được sản xuất kinh doanh.
Về phía Bộ Tài chính, cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó để điều hành linh hoạt sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Một giải pháp quan trọng khác cũng được Bộ Tài chính chỉ ra, đó là thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển, đảm bảo được an sinh xã hội. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, người dân và DN làm ăn hiệu quả, GDP tăng lên, nộp ngân sách tăng lên, giải quyết được việc làm và cuộc sống tốt lên thì sẽ giúp giữ vững được chính sách tài khóa tiền tệ, kể cả chính sách về thị trường chứng khoán.