Doanh nghiệp với quá trình 'xanh hóa'

THANH GIANG 21/08/2023 09:30

Có kinh nghiệm chuyển đổi xanh hướng đến giảm khí thải carbon bằng 0, bà Lâm Tố Trinh - Phó Tổng giám đốc Sáng tạo Đổi mới và Phát triển kinh doanh của NS BlueScope Việt Nam chia sẻ, chi phí thực hiện chuyển đổi xanh khá lớn. Đây là sự lựa chọn không dễ cho doanh nghiệp.

Nhiều ngành nghề đang đòi hỏi phải chuyển đổi xanh.

Theo bà Trinh, cần chia nhỏ từng giai đoạn nếu doanh nghiệp (DN) chưa có kinh phí để thực hiện. Việc phải làm đầu tiên là nhắm đến quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm thải khí carbon ngay từ đầu tư. Còn bà Emily Hamblin - Tổng Lãnh sự quán Anh tại TPHCM cho rằng, đầu tiên DN cần đặt ra lộ trình chuyển đổi phù hợp. Đồng thời, nắm bắt sự tiếp cận dựa trên nguồn lực xã hội; tận dụng mối quan hệ hợp tác nhất là khối tư nhân để có được tài chính xanh đưa vào thực hiện.

Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty nhựa tái chế Duy Tân cho biết, DN đã đầu tư giảm thải khí carbon như vận hành với tiêu chí 3 không: “Không nước thải, không khí thải, không rác thải”. Ngoài ra, còn đang thu gom các chai nhựa sau sử dụng trên thị trường để tái chế, cung cấp các chai đáp ứng về tiêu chuẩn thực phẩm cho một số DN lớn trên thị trường.

Nêu quan điểm về chuyển đổi xanh, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, hiện DN xuất khẩu Việt Nam nói chung mới chỉ đạt được 5% các tiêu chuẩn xanh theo đúng nghĩa.

“Vừa qua, trong bối cảnh khó khăn, nếu DN chuyển đổi xanh tốt thì đơn đặt hàng có thể không giảm mạnh như vậy, nhất là đối với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ” - ông Thành dẫn chứng và cho rằng, cuộc đua hướng tới phát triển xanh vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội cho DN. DN sớm cam kết sẽ hưởng lợi lợi thế người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới. Sự chủ động tham gia của DN kỳ vọng, sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo, để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

“Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư chuyển đổi thực sự rất thách thức của DN, đòi hỏi phải có cơ chế đưa dòng tiền vào quá trình này. Chi phí chuyển đổi rất cao, đòi hỏi từ đào tạo kỹ năng mới, công nghệ mới, chất quản trị mới. Chưa kể, thực hiện chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực sẽ có những rủi ro, cho nên làm sao cân bằng được giữa tiềm năng, lợi ích, rủi ro phát sinh với chi phí chuyển đổi” - ông Thành nói.

Cộng đồng DN cho rằng, cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý, chính sách để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ mà cần phải có sự hỗ trợ cụ thể.

Theo bà Bà Lâm Tố Trinh, Chính phủ đã có những yêu cầu rất rõ nét, ví dụ yêu cầu NS BlueScope Việt Nam khai báo phát thải carbon trên các sản phẩm 2 năm 1 lần. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ ra những quyết định và giới hạn thương mại. Tuy nhiên, khi áp dụng rộng rãi cần có những quy định về giới hạn, thương mại cho từng DN, ngành nghề một cách hợp lý.

Đơn cử ngành thép phát thải carbon rất nhiều, nếu quy định không phù hợp cho riêng ngành thép sẽ là thách thức, khó khăn. Và khi triển khai cần có sự thống nhất giữa các bộ, ban ngành với quy trình đơn giản, không nên để DN phải làm nhiều bước, nhiều lần, thiếu hướng dẫn dẫn đến loay hoay trong cách làm và không đạt các yêu cầu.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đang rà soát chiến lược quy hoạch, đặc biệt ban hành các hệ thống chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất, tiêu dùng. Xác định DN là trung tâm và được tiếp cận chính sách này và DN là người đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi.

Kinh tế xanh được xác định trong các chiến lược, kế hoạch, do Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp với quá trình 'xanh hóa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO