Xanh hóa là mục tiêu và cũng là đòi hỏi tất yếu với ngành dệt may. Đến nay nhiều doanh nghiệp may, sợi, dệt, nhuộm đã đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu về vấn đề này. Song, quá trình chuyển đổi như vậy cần nguồn lực đầu tư lớn.
Xanh hóa để cạnh tranh
Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 108 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, với riêng ngành dệt may, thực hiện phát triển bền vững theo chiến lược đến năm 2030, cần kinh phí hàng nghìn tỷ đồng để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Một trong những nội dung chính là đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo; hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng tái tạo… trong cả chuỗi sản xuất của ngành.
Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may phản ánh thường xuyên nhận được yêu cầu về quy trình sản xuất xanh hóa, giảm phát thải từ một số nhà mua hàng châu Âu, Mỹ. Động thái này cho thấy, nếu DN không chuyển đổi để thích ứng nhanh sẽ mất đi nhiều cơ hội chốt đơn hàng trong chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành, nặng nề hơn sẽ bị đào thải khỏi chuỗi sản xuất.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) chia sẻ, xanh hóa ngành dệt may không chỉ góp phần vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, mà còn thực hiện yêu cầu cũng như quy định của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn.
Bà Nguyễn Thanh Ngân - Phó Trưởng ban Đầu tư và phát triển (Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex) cho biết, nếu không nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính thì sẽ không thể xuất khẩu vào châu Âu cũng như nhiều thị trường khác. “Hiện trên thế giới đã có các phần mềm có thể tính toán ra được mức độ phát thải khí nhà kính của sản phẩm vải. Do đó, tuân thủ là cách duy nhất mà các DN có thể làm để duy trì xuất khẩu vào các thị trường này” - bà Ngân nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ngành dệt may cần chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn để giảm dấu vết carbon trên toàn chuỗi. Cụ thể, cần kéo dài vòng đời sản phẩm, minh bạch chuỗi cung ứng để khi quét mã QR khách hàng có thể biết được các thông tin như xuất xứ sản phẩm, mức phát thải carbon, nhà máy có sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức hay không… Tất cả những điều này đang được các quốc gia châu Âu xem xét rất kỹ và chắc chắn các DN dệt may Việt Nam sẽ phải tuân thủ. Theo đó, hàng hoá có dấu vết carbon càng thấp thì càng có lợi thế cạnh tranh.
Để thích ứng với tình hình mới, các DN dệt may cũng đã nỗ lực thay đổi. Giám đốc điều hành Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, các DN trong hệ thống tập đoàn đang nỗ lực thích ứng với bối cảnh thị trường bất định hiện nay với mục tiêu ổn định được tài chính, duy trì bộ máy sản xuất, đặc biệt là bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, người lao động. Về lâu dài, Vinatex kiên định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh theo hướng xanh và bền vững; phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số...
Ông Thân Đức Việt -Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết, nếu DN không đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm sẽ không có đơn hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, Tổng công ty định hướng sẽ trở thành một nhà sản xuất xanh. Đó là, tăng cường sử dụng điện mặt trời áp mái, sử dụng nguyên liệu từ sản phẩm hữu cơ hay sợi tái chế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần nguồn vốn khá lớn. Do đó, DN cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh và cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong quá trình thực hiện.
Cần được đầu tư, hỗ trợ
Hiện xuất khẩu của các DN dệt may đang gặp khó khăn, áp lực tài chính của các DN đã xuất hiện từ cuối năm 2022. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, DN đang gặp nhiều áp lực. Thứ nhất là lãi vay cao. Thứ hai là áp lực trả nợ trong khi tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Mặt khác, nhu cầu vốn của ngành dệt may là rất lớn, để chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, truy soát nguồn gốc về lao động và môi trường để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như thị trường EU hay Mỹ…
Ông Cẩm cho biết nhiều DN đã phải gồng mình lo đơn hàng sản xuất để không phải, hoặc hạn chế sa thải nhân công, trong khi đơn giá giảm sâu. Thậm chí nhiều DN phải nhận cả những đơn hàng không phải thế mạnh của mình nên năng suất rất thấp.
“Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tôi cho rằng cũng nên có chính sách hỗ trợ các DN dệt may phát triển bền vững, chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của thị trường” - ông Cẩm nói.
Được biết, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đề xuất chương trình hỗ trợ phát triển bền vững ngành dệt may đến năm 2030, với kinh phí 435,6 tỷ đồng nhằm thực hiện 8 nhiệm vụ. Bao gồm khảo sát hiện trạng ngành dệt may Việt Nam để nắm bắt đúng tình hình thực tế cũng như nhu cầu của ngành. Hai là nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo. Ba là hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh, xử lý nước thải, hóa chất, năng lượng tái tạo. Thứ tư, hỗ trợ trong khâu thiết kế thời trang, thiết kế sinh thái, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Thứ năm, hợp tác với đối tác nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là dệt, nhuộm hoàn tất và thiết kế tạo mẫu. Thứ sáu, đào tạo cho DN về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng. Đặc biệt là hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng và cuối cùng là hỗ trợ tăng cường năng lực cho viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, để đẩy nhanh quá trình xanh hóa, ngoài việc các DN cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ thì sự hỗ trợ thiết thực từ nhà nước cũng rất quan trọng. Có thể kể đến như các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; phát triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của DN. Đồng thời tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường…
(Còn nữa)