Kinh tế

Doanh nghiệp với sức ảnh hưởng của văn hóa kinh doanh

T.Hằng (thực hiện) 13/12/2023 07:56

Các doanh nghiệp đã nâng nhận thức về vai trò của văn hoá đối với sự phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi, việc định hình lại nền tảng văn hoá doanh nghiệp (VHDN) phù hợp với hướng đi mới càng trở nên cần thiết.

ongvu.png
Ông Lê Quang Vũ

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Quang Vũ - CEO Blue C nhận định, khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ đầu tư nguồn lực cho văn hóa của các DN.

PV: Thưa ông, trong báo cáo đo lường mức độ trưởng thành VHDN năm 2023 và xu hướng 2024 cho biết, nhiều DN không đầu tư ngân sách vào việc phát triển văn hoá cho chính DN? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Quang Vũ: Blue C vừa công bố Báo cáo đo lường mức độ trưởng thành VHDN 2023 được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của 195 DN từ 13 nhóm ngành nghề khác nhau. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Blue C thực hiện khảo sát thị trường nhằm cung cấp những đánh giá về hiện trạng VHDN năm 2023 và dự đoán xu hướng nổi bật của VHDN tại Việt Nam năm 2024.

Kết quả khảo sát cho thấy mức độ trưởng thành văn hoá của các DN giảm từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 (trên thang đo 6 cấp độ). Cụ thể điểm trung bình chỉ đạt 40.14 điểm, giảm 4.26 điểm so với năm 2022. Cả 14/14 yếu tố của VHDN đều giảm điểm, giảm nhiều nhất là ở tiêu chí đo lường và ngân sách, đánh dấu một năm nhiều thách thức của VHDN.

Đo lường tiếp tục là điểm yếu trong thực thi văn hóa, có tới 73.84% DN chưa đo lường VHDN hoặc có đo lường nhưng chỉ lồng ghép vào các chương trình khảo sát, lắng nghe khác.

Bên cạnh đó, những yếu tố như ngân sách, đào tạo và bộ máy VHDN cũng nằm trong top các yếu tố có điểm trung bình giảm nhiều nhất so với năm 2022. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 36.41% DN có đủ ngân sách để triển khai các hoạt động VHDN. Tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin ngân sách cho VHDN tăng 5.3% so với 2022. Điều này cho thấy khó khăn chung của nền kinh tế đang ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ đầu tư nguồn lực cho văn hóa của các DN.

Thưa ông, nhiều DN cho biết khó khăn trong xây dựng văn hóa là do không nắm vững cách làm, thiếu kỹ năng triển khai đang gây ra những trở ngại lớn cho xây dựng, phát triển văn hóa?

- Đúng vậy, các DN cũng cho biết có nhiều khó khăn trong xây dựng văn hóa của họ xuất phát từ việc: thiếu phương pháp và kỹ năng triển khai; không đo lường được hiệu quả; và nhân lực thực thi mỏng.

Điều này cũng không khó để lý giải, khi mà mức độ ưu tiên nói chung cho đào tạo VHDN giảm sút đặc biệt các chương trình đào tạo nhận thức, kỹ năng cho quản lý và đội ngũ chuyên trách giảm từ 28.20% xuống còn 19.48%.

Trong khi đó, văn hóa cũng giống như gió, tuy vô hình nhưng tác động rất lớn. Nếu văn hóa "thuận buồm xuôi gió" với định hướng phát triển, sẽ tiến nhanh và xa hơn. Trái lại, nếu văn hóa đi ngược với định hướng phát triển mọi thứ sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, văn hóa càng phải vững vàng. Việc quay trở vào bên trong để gia tăng sự gắn kết thông qua trải nghiệm nhân viên; thúc đẩy tinh thần học mới để gia tăng nội lực và xây dựng môi trường đổi mới - sáng tạo để khuyến khích cái mới là những hướng đi đúng trong việc phát triển VHDN phù hợp với bối cảnh thị trường nhiều biến động và đòi hỏi sự linh hoạt, thích ứng cao.

Ông có khuyến nghị gì cho cộng đồng DN trong việc xây dựng VHDN?

- Trong thử thách luôn ẩn chứa cơ hội. Khó khăn chính là phép thử về những điều thực sự là cốt lõi của VHDN. Trong cái khó cũng ló cái khôn. Trước những thách thức, DN cũng sẽ tìm ra cách làm mới, thoát ra khỏi những suy nghĩ lối mòn để thực thi văn hóa hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, thời điểm khó khăn thường là động lực mạnh mẽ để DN tập trung vào những điều thực chất hơn, bỏ đi những yếu tố màu mè, bề nổi trong quá trình xây dựng văn hóa DN. Điều này chính là cơ sở để DN mạnh mẽ vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp với sức ảnh hưởng của văn hóa kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO