Tình trạng doanh nghiệp (DN) đến hạn không trả được cả lãi và gốc trái phiếu vẫn diễn ra phổ biến. Không ít trái chủ của nhiều DN đã phải lên tiếng.
Sau vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) biến động, nhà đầu tư mất niềm tin. Đáng chú ý, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn đang rất lớn, năm 2024 ở mức 288.100 tỷ đồng, năm 2025 ở mức 194.200 tỷ đồng (theo thống kê của FiinGroup).
Cũng liên quan đến chặng đường đi đòi tiền đã mua trái phiếu, gần 500 nhà đầu tư trái phiếu của Công ty TNHH Nam Land (Nam Land) đã ủy quyền cho Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nộp đơn khởi kiện Nam Land và các bên liên quan ra Tòa án nhân dân quận 3, TPHCM. Đây là các nhà đầu tư đã tham gia mua lô TPDN riêng lẻ mã NALCH2124001, có tổng trị giá khoảng 900 tỷ đồng do Nam Land phát hành ngày 13/7/2021.
Trả lãi được 5 kỳ, đến kỳ trả lãi ngày 13/1/2023, Nam Land đã không trả được. Công ty này có công văn xin khất nợ trái chủ đến ngày 28/2/2023. Nam Land cũng tổ chức đại hội trái chủ và thông báo sẽ mua lại trái phiếu trước ngày 30/6/2023. Nhưng đến ngày 28/2/2023, Nam Land chỉ trả được 50% tiền lãi và xin khất tiếp số còn lại vào cuối tháng 3/2023. Đến hẹn, Nam Land tiếp tục không trả được lãi.
Đáo hạn trái phiếu nhưng chưa có tiền trả khách hàng, nhiều đơn vị phát hành đã lựa chọn bán tài sản hoặc gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai dự kiến thanh lý khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại thành phố Pleiku (Gia Lai), để thanh toán một phần nợ của lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26, phát hành năm 2016. Số tiền chậm thanh toán lãi lũy kế và chậm thanh toán gốc lũy kế lần lượt là 2.870,59 tỷ đồng và 1.157 tỷ đồng tính tới ngày 30/9/2023. Song tới ngày 29/9, DN này đã thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu mã HAG2012.300, được phát hành ngày 18/6/2012, từ 11 năm sang 13 năm kể từ ngày phát hành, tức tăng thêm hai năm. Việc này giúp điều chỉnh ngày đáo hạn trái phiếu từ ngày 30/9/2023 thành ngày 30/9/2025.
Để tháo gỡ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023 (Nghị định 08), cho phép DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 3/11 có 68 DN phát hành riêng lẻ với khối lượng 189.700 tỷ đồng. Dư nợ TPDN riêng lẻ tại thời điểm cuối tháng 10/2023 khoảng 1 triệu tỷ đồng, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính thời gian vừa qua DN có khó khăn về thanh khoản dẫn tới có khả năng chậm thanh toán gốc, lãi TPDN đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác (chủ yếu bằng sản phẩm bất động sản), kéo dài kỳ hạn trái phiếu hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản khác của trái phiếu (thay đổi về thời gian, phương thức, tần suất thanh toán gốc, lãi trái phiếu). Đến nay nhiều DN chậm thanh toán đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC , tính đến ngày công bố thông tin 24/11/2023, đã có 19 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11 với tổng giá trị hơn 21.700 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,2%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm. Trong đó có hơn 7.325 tỷ đồng trái phiếu đến từ ngành ngân hàng, 1.495 tỷ đồng đến từ xây dựng, hơn 4.075 tỷ đồng đến từ bất động sản, 1.200 tỷ đồng đến từ mảng vận tải, còn lại đến từ các mảng khác như tài chính, sản xuất, chứng khoán...
Trong cuộc họp bàn về việc phát triển thị trường TPDN do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì chiều 28/11 vừa qua, một nội dung liên quan quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với các đợt chào bán, quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu…cũng đã được đưa ra bàn thảo. Theo đó có nhiều đề xuất, không kéo dài thời gian ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với TPDN riêng lẻ.