Đó là thực trạng đang và đã diễn ra suốt nhiều năm nay trên sông Cầu Lường, thuộc địa phận một số xã thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Nước sông Cầu Lường đặc quánh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xã xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng nề hiện nay phải kể đến như Ngọc Lâm, Xuân Dục, Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Nhiều năm qua hàng chục vạn hộ dân các xã trên phải sống khốn khổ bên con sông Cầu Lường suốt ngày đêm nồng nặc mùi ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở thôn Vô Ngại, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào bức xúc cho biết: “Chúng tôi chịu cảnh ô nhiễm này hàng chục năm nay rồi, những thứ nước thải độc hại của các nhà máy cứ xả thải bừa bãi ra sông Lường, khiến không chỉ dòng sông bị đầu độc, mà người dân chúng tôi cũng đang hàng ngày, hàng giờ bị “tra tấn”. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng cho đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
Được biết, hiện nay người dân nơi đây vẫn sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt. Có hộ dân khoan đến hàng chục cái giếng sâu trung bình từ 30 – 40 m, nhưng nước bơm lên vẫn đen ngòm, hôi thối, không thể sử dụng.
Ông Nguyễn Trọng Đổ, một người dân cùng thôn Vô Ngại phản ánh: “Tôi vừa trải qua một đợt phẫu thuật não “thập tử nhất sinh” mà nguyên nhân bệnh viện cho biết có liên quan đến nguồn nước và bầu không khí khu vực sinh sống bị ô nhiễm… Mấy năm nay ở làng này, người tử vong do bệnh tật xảy ra liên tục, đa số chết ở độ tuổi còn rất trẻ, đều chung nguyên nhân do mắc các loại ung thư. Tôi mong cấp trên sớm về xem xét để có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm để đảm bảo môi trường sống cho người dân chúng tôi”.
Cũng theo bà con địa phương phản ánh, năm nào cũng có hàng chục người mắc bệnh ung thư. Nghiêm trọng nhất là năm 2011 trong thôn Vô Ngại có 9 người chết do ung thư, khiến cho người dân vô cùng hoang mang.
Về nguyên nhân, người dân cho biết do dọc theo sông Cầu Lường hiện có rất nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: giặt là, nhuộm, tái chế nhựa…Các cống xả thải từ các doanh nghiệp trên đều đổ thẳng xuống sông Cầu Lường, đây chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại địa phương suốt nhiều năm qua.
Bà Trần Thị Thơm người dân xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào chia sẻ: “Ban ngày họ xả thải thế này vẫn chưa là gì, phải tầm 23 giờ đêm trở đi, các anh ra đây mới chứng kiến cảnh các công ty xả thải kinh hoàng thế nào. Các cống xả mở hết công suất, thứ nước đen ngòm đặc quánh như dầu luyn từ các bể chứa ngầm trong các công ty, nhà máy ùn chảy thẳng ra sông Lường, nhìn hãi hùng vô cùng…Và cứ mỗi khi các nhà máy xả thải, toàn bộ con sông lại thốc lên mùi nồng nặc ô nhiễm. Không may hít phải tức ngực không thở được. Đêm ngủ chúng tôi phải bịt khẩu trang nhưng vẫn không sao hết mùi, toàn bộ cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sông Cầu Lường là con sông đào nhỏ đổ ra sông Sặt thuộc địa phận của 3 xã Ngọc Lâm, Xuân Dục và Bạch Sam của huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Con sông này có chiều dài khoảng 2,5 km, chiều rộng 30-50 m và sâu khoảng 3-4 m. Sông Cầu Lường là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiêu của 3 xã. Tuy nhiên, sau khi phát triển công nghiệp, dịch vụ thì sông Cầu Lường cũng trở thành nguồn tiếp nhận nước thải chính của 15 doanh nghiệp với các loại hình sản xuất khác nhau như giặt, may, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm nhựa, tái chế dầu DO từ cao su phế liệu.
Nằm ở cuối nguồn sông Cầu Lường là xã Ngọc Lâm với dân số khoảng 6.000 người, trong đó thôn Vô Ngại với 500 hộ dân – dân số khoảng 1700 người chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ nguồn nước thải ô nhiễm. Từ năm 2011 đến nay, toàn bộ hệ thống sông này đã trở thành dòng nước chết do bị hoá chất huỷ diệt.
Theo UBND xã Ngọc Lâm, toàn xã hàng năm có tổng diện tích gieo cấy gần 300 ha, trong đó có gần 150 ha lúa phải lấy nước tưới từ dòng sông Cầu Lường nên đều bị ảnh hưởng, năng suất lúa giảm 30-40%.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, qua khảo sát và phân tích mẫu nước sông Cầu Lường từ năm 2012 đến đầu năm 2017, kết quả cho thấy, lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp thải ra sông Cầu Lường khoảng 1.000 m3/ngày đêm. Phân tích mẫu nước sông, nhiều chỉ tiêu phân tích vượt quy kỹ thuật quốc gia về nước mặt từ vài lần cho đến hàng chục lần.
Theo ông Trần Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, việc các nhà máy xả thải trực tiếp gây ô nhiễm ở sông Cầu Lường đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần có ý kiến, song việc giải quyết chưa được như mong muốn của bà con do thẩm quyền của cấp xã có hạn. Mặt khác, do các nhà máy này phần lớn lại nằm trên địa bàn các xã khác như Xuân Dục, Bạch Sam… nên xã Ngọc Lâm chỉ có thể kiến nghị lên cấp trên. Trong khi đó, xã Ngọc Lâm lại là khu vực cuối nguồn, trực tiếp hứng chịu hậu quả từ tình trạng ô nhiễm của sông Cầu Lường.
Các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần sớm tìm giải pháp xử lý, giải quyết tình trạng trên.