Mải chạy theo lợi ích kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cố tình “quên đi” công tác bảo vệ môi trường. Nghiêm trọng hơn, những hiểm họa khôn lường ấy tồn tại nhiều năm và chỉ khi bị phát hiện mới “xác định là đặc biệt nguy hại”.
Hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn thô sơ của Công ty Hopex (Hải Dương). Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn.
Kết quả điều tra cho thấy, có 70% lượng nước thải công nghiệp chưa được xử lý gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 5.000 làng nghề, hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Toàn quốc còn 36 cơ sở công nghiệp cần phải giám sát đặc biệt. 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên khi các loại hình sản xuất công nghiệp không thân thiện với môi trường...
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược tài nguyên môi trường cho biết, thực tế cho thấy không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, việc xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường của nhiều doanh nghiệp còn tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân trong vùng. Ở đây, thiệt hại là cả về vật chất lẫn con người, đều từ sự vô cảm của DN. Với DN là kiếm lợi nhuận. Với người dân, là sự điêu đứng, khốn khổ.
Vấn đề là vì sao những hiểm họa tồn tại nhiều năm như vậy mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng “không biết” và chỉ khi báo giới và từ phản ứng dữ dội của người dân mới bị phát hiện. Liệu có sự tiếp tay từ chính những người trong cuộc?
Vụ Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình) bị phát hiện đầu tháng 5/2016 là ví dụ. DN này đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi khiến 17 tấn cá lồng của người dân huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) chết hàng loạt. DN bị xử phạt 1,9 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/5/2016. Tuy nhiên, chỉ hơn 7 tháng sau DN hoạt động trở lại?
Tương tự, vụ Công ty Dệt Hopex (Cẩm Giàng, Hải Dương) nhiều năm xả thẳng nước thải ra môi trường khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, phát sinh nhiều nguồn bệnh nguy hiểm. Phạt một lần, tồn tại. Phạt 2 lần, vẫn tồn tại. Số tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, song DN khắc phục nửa vời rồi đâu lại vào đấy. Dân tố khổ, chính quyền tiếp tục thờ ơ.
Hay vụ khu chế xuất da Nguyên Hồng (Văn Lãng, Lạng Sơn), báo giới vào cuộc phanh phui sự vụ. Lãnh đạo địa phương xác nhận nguồn nước sông Khởi Luông ô nhiễm từ sự xả thải trực tiếp của DN. Người dân phát hiện ung thư, hoa màu cây cối thui chột vì nước độc, khói độc. Chức năng vào cuộc, DN đến nay tiếp tục hoạt động. Nước thải sau mỗi trận mưa có thể chảy sang tận đất Cao Bằng…
Còn bao nhiêu vụ việc tương tự chưa được phanh phui, phát hiện? Con số chưa đầy 10 trường hợp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường bị xử lý trong năm 2016 cho thấy công tác thanh tra môi trường, đặc biệt lĩnh vực xả thải đang có vấn đề? Đó là chưa kể, hầu hết các Sở TN&MT đang bị “chi phối” bởi “ý chỉ” từ tỉnh, khiến công tác thanh kiểm tra lúng túng, èo uột.
Ông Dương Thanh An- Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường cho biết, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến không ít DN chỉ vì lợi nhuận mà phớt lờ những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, số tiền bị xử phạt hành chính ít hơn rất nhiều so với việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Phát hiện trong dân, nhưng thanh tra xử phạt nghiêm minh và minh bạch mới là sự cốt lõi.