Quý I/2023 xuất nhập khẩu suy giảm, doanh nghiệp (DN) suy giảm đơn hàng. Trong bối cảnh đó DN một số ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, thuỷ sản... buộc phải xoay hướng, khai thác các thị trường mới. Kết quả bước đầu rất khả quan.
Kim ngạch xuất khẩu suy giảm
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Chính vì vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng 2 nhưng lại giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu (XK) giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Nhiều ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 2/2023, XK thủy sản Việt Nam tiếp tục bị sụt giảm. Do đó, tính lũy kế 2 tháng đầu năm, XK thủy sản Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD (giảm 29% so cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, XK tôm đạt 335 triệu USD (giảm 40%), cá tra đạt 240 triệu USD (giảm 38%), cá ngừ 109 triệu USD (giảm 30%)… Đặc biệt, các thị trường XK chính của thủy sản Việt Nam đều giảm, nhất là thị trường Mỹ giảm 55%, Thái Lan giảm 15%, Hàn Quốc giảm 14%, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm 11%.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP, ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, thức ăn chăn nuôi nói chung đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về sản lượng, giá bán tăng cao, giảm sức cạnh tranh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho biết từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước đều có dấu hiệu khó khăn. XK gặp khó ở nhiều mặt hàng và nhiều thị trường. Trong đó, XK dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh. Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường XK chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, những tháng đầu năm DN dệt may bị sụt giảm đơn hàng, tuy nhiên, tới thời điểm này đã bắt đầu có đơn hàng trở lại ở một số thị trường. Trước tình thế khó khăn như hiện nay, các DN dệt may buộc phải xoay chuyển tình thế bằng cách cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới cả trong nước và ngoài nước. Giảm chi phí, cấu trúc lại bộ máy, tiếp tục tìm nguồn vốn để tái đầu tư về công nghệ, giảm bớt lao động, tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, việc tận dụng các FTAs đã ký là một giải pháp để gia tăng mở rộng thị trường XK. Theo đó, bên cạnh các thị trường truyền thống thì DN đã tìm đường sang Australia, Canada… để tìm những đơn hàng mới.
Doanh nghiệp chuyển hướng
Ông Ngô Trần Hiệp - phụ trách xuất nhập khẩu Công ty CP vận tải Thái Việt Trung cho biết, đơn hàng của công ty thực hiện tại khu vực cửa khẩu đã tăng hơn trước, nhất là hàng hoá qua cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn. Trung Quốc mở cửa nên việc thông thương được thuận lợi hơn rất nhiều.
Để đẩy mạnh XK rau quả sang Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần XK Đồng Giao cho rằng, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm là rất quan trọng, trong đó có việc tích cực tham gia các hội chợ tại Trung Quốc. Do đó, DN mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện để các DN Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trong thời gian tới.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh XK sang một số thị trường như Trung Quốc, Nam Á, châu Phi... Đối với thị trường Nam Á, Bộ Công thương tiếp tục đặt sự quan tâm vào thị trường Ấn Độ với sức mua và nhu cầu thị trường lớn (1,4 tỷ dân). Hàng năm, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 560 tỷ USD. Việt Nam XK sang Ấn Độ 8 tỷ USD, chỉ chiếm 1,4%. Song song đó, thị trường Bangladesh, Pakistan cũng sẽ được chú trọng như là bàn đạp thúc đẩy XK sang thị trường Ấn Độ. Đối với thị trường châu Phi, đây là khu vực cần chú trọng phát triển bởi dư địa còn rất lớn, Việt Nam mới chiếm 0,6% thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD của châu Phi mỗi năm, bên cạnh đó, thị trường Nam Phi cũng là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước.
“Năm 2020, 2021, rồi 2022 có những khó khăn, biến động toàn cầu từ dịch bệnh, xung đột vũ trang... đã cho DN Việt Nam những bài học về tận dụng cơ hội từ mọi thị trường cả truyền thống và thị trường mới. DN cũng đã thích nghi và phản ứng rất nhanh để hợp với từng thị trường, từng thời điểm. Khó khăn vẫn tiếp diễn, Bộ Công thương cần cùng các DN rà soát để nắm lại các thị trường xuất khẩu truyền thống đồng thời mở rộng ra các thị trường xuất khẩu mới, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế” - Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.