Văn hóa

Độc đáo thẻ bài cung nữ

Ngọc Mai 28/05/2024 08:01

Trong đợt Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia năm 2024 (Quyết định số 73), có “Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ” (năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, 1466); hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

anh-bai-duopi-8.jpg
Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ được công nhận là bảo vật quốc gia. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Thẻ là tấm hợp kim đồng, phẳng, mỏng, hình thang cân, hai góc cạnh trên của hình thang được tỉa cong. Hai mặt có khắc chữ Hán, nét chữ khắc sâu, rõ ràng. Mặt trước khắc 5 chữ Hán được dịch tiếng Việt: Cung nữ xuất mãi bài.

Dòng chữ “cung nữ xuất mãi bài” ở mặt chính của tấm thẻ cho biết đây là một loại tín bài cấp cho cung nữ dùng ra vào cung để mua hàng phục vụ cho hoạt động trong cung. Ở mặt sau, các thông tin cho biết thẻ được tạo vào năm Quang Thuận thứ 7, đời vua Lê Thánh Tông, tức năm 1466.

Theo giới nghiên cứu văn hóa, thẻ bài cung nữ chính là “giấy thông hành” ở Hoàng thành Thăng Long. Thẻ liên quan đến khu nội cung, tức cung cấm của Thăng Long.

Vào năm 2021, thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ (Hoàng thành Thăng Long) được các cán bộ Viện Khảo cổ học phát hiện, tại phía Đông Bắc điện Kính Thiên, cách điện 100 mét. Thẻ còn nguyên vẹn, tuy bề mặt bị ăn mòn do bị ôxy hóa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc của hiện vật, chữ còn rõ. Sau khi phát hiện, hiện vật được lấy lên khỏi hố khai quật.

Năm 2022, Viện Khảo cổ học bàn giao tấm thẻ cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Cũng trong năm này, nhân kỷ niệm 20 năm khai quật nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ được đưa vào trưng bày giới thiệu tại Phòng Trưng bày báu vật hoàng cung.

Đáng chú ý, tư liệu về thẻ bài thời Lê rất hiếm. Đến nay mới có 2 thẻ bài thời Lê được công bố. Thẻ thứ nhất là thẻ bài cẩm y vệ thời Hồng Thuận (năm 1512) và thẻ thứ hai chính là thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ (năm 1466).

Thẻ bài cẩm y vệ (thuộc ban võ), lần đầu tiên được công bố trong cuộc triển lãm cổ vật và những tác phẩm nghệ thuật bằng đá quý năm 2012. Chữ trên thẻ cho biết thẻ chỉ được sử dụng tại kinh thành, ra ngoài kinh thành tuyệt đối không được sử dụng. Rất đáng chú ý, trên thẻ có khắc dòng chữ quy định rất nghiêm: Tất cả những người đeo thẻ bài này không được phép cho mượn hoặc làm mất, người vi phạm sẽ bị trị tội.

Theo ông Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thẻ bài có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những huân chương, huy chương để thưởng công trạng hay ban tặng thể hiện sự ân sủng của triều đình cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ. Nhóm thứ hai để phân biệt địa vị, hoặc có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm, doanh trại hay được dùng như giấy ủy nhiệm của cấp trên giao việc cho thuộc hạ.

Giới khảo cổ học cho rằng, thẻ bài với tư cách là tín bài có lẽ đã được sử dụng từ rất sớm.. Tuy nhiên, những ghi chép có được cho thấy thẻ bài - giấy thông hành để ra vào cung điện được sử dụng và quản lý nghiêm ngặt từ thời Lê sơ.

Việc việc phát hiện thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ (Hoàng thành Thăng Long) đã cung cấp những bằng chứng thuyết phục và cho thấy mặc dù việc quản lý vẫn tiếp tục được hoàn thiện nhưng dưới thời vua Lê Thánh Tông, việc quản lý người ra vào bằng thẻ bài đã được triển khai đến mọi đối tượng trong cung.

Biện pháp quản lý này tiếp tục hoàn thiện ở các đời vua sau. Cho đến thời Nguyễn, việc quản lý ra vào cung cấm được cho là đã thực hiện đồng bộ, chặt chẽ hơn nhiều so với trước, thông qua hệ thống thẻ bài hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo thẻ bài cung nữ