Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017 với phần lớn các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Yêu cầu đặt ra đối với các trường lúc này là thay đổi cách dạy và học, giúp học sinh đạt được kết quả cao nhất theo hình thức thi mới.
Ảnh minh họa.
Vừa đổi mới vừa chờ hướng dẫn
Theo ông Lê Vinh- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), việc Bộ chốt phương án thi THPT quốc gia năm 2017 là đã có tính toán rất kỹ, mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều.
Riêng bản thân cơ sở thực tiễn, 3 môn bắt buộc như mọi năm, ông Vinh cho rằng không có gì quan tâm, chỉ có quan tâm nhiều đến tổ hợp KHTN và KHXH.
Với 120 câu cho mỗi nhóm, thực hiện trong 150 phút ông Vinh cho rằng, học sinh phổ thông sẽ có áp lực làm cho đủ 120 câu hỏi.
Mỗi câu hỏi 4 phương án, và với câu hỏi dài thì sẽ khiến học sinh làm đoạn đầu hiệu quả, nhưng về sau sẽ có chất lượng không tốt do tư duy mệt mỏi.
Về môn Toán thi trắc nghiệm, ông Vinh khẳng định đã được báo động từ năm 2007. Môn học này kiểm tra trắc nghiệm để đánh giá học sinh tốt nghiệp THPT là tốt, đảm bảo tính khách quan, đảm bảo khi chấm bài không bị có tác động chênh lệch.
Tuy nhiên, với đề thi minh họa Bộ đưa ra vừa qua, nhiều giáo viên đã đánh giá đề thi bị dài, gây áp lực thời gian cho học sinh…
Để giúp học sinh tiếp cận hơn với hình thức thi mới, nhà trường cũng đã thay đổi đáng kể cách dạy và học, đặc biệt là với môn Toán, Giáo dục công dân…
Ví dụ như môn Toán, qua đề thi minh họa có những bài nếu thi tự luận thì chưa từng có, nhưng chuyển sang thi trắc nghiệm lại có, cho nên giáo viên sẽ phải dạy học sinh kỹ hơn, bám sát chương trình hơn.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT quyết định chính thức phương án thi, trường đã họp Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, tổng hợp các ý kiến đề xuất cho việc ôn luyện cho học sinh.
Làm thế nào đó để có thể vừa cung cấp cho các em các đơn vị kiến thức, vừa làm sao để từ đơn vị kiến thức đó các em làm được các câu hỏi trắc nghiệm.
Bên cạnh một số môn học được điều chỉnh thi theo hình thức trắc nghiệm, lần đầu kỳ thi có sự “góp mặt” của môn Giáo dục công dân. Đây là môn học đã từng bị nhiều trường và học sinh xem nhẹ.
Để thay đổi tình hình, ông Vinh cho biết nhà trường đã có chỉ đạo cụ thể đến tổ chuyên môn, giáo viên giảng dạy viết lại khung chương trình, trên cơ sở đó tích hợp nội dung thêm về các chủ đề theo định hướng của đề thi minh họa.
Giáo viên sẽ vừa dạy theo cách lâu nay vừa đưa ra những hướng để xây dựng nên bộ câu hỏi trắc nghiệm chung cho học sinh ôn tập…
Các giáo viên dạy bộ môn này cũng đang phải tập trung, nghiên cứu để làm sao điều chỉnh được cách dạy cho phù hợp với nội dung và hình thức thi.
Đa phần các giáo viên đều mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức cho họ được tập huấn chuyên môn để có điều chỉnh trong cách dạy, ra đề kiểm tra phù hợp. Cũng như chờ hướng dẫn cụ thể từ phía cấp trên, để có hướng ôn tập đúng đắn nhất cho học sinh.
Nhiều trường thành lập Ban đề thi trắc nghiệm
Cũng theo tinh thần trên, một số trường THPT tại Hà Nội hiện nay đã triển khai dạy và học theo hướng thi trắc nghiệm. Tại Trường THPT Hồng Thái đã cho lên kế hoạch giảng dạy từ cách đây hơn nửa tháng, sau khi có phương án chính thức của Bộ.
Ngoài việc giảng dạy, luyện tập cho học sinh trên lớp, từng tổ chuyên môn còn có các Ban soạn thảo đề thi. Đồng thời giáo viên từng môn thi cũng tổ chức thêm các tiết học bám sát, ôn tập buổi chiều cho học sinh.
Tự mỗi giáo viên cũng lên kế hoạch riêng, soạn thảo bộ đề thi trắc nghiệm riêng để học sinh tiện ôn tập, theo cấu trúc đề thi minh họa Bộ cung cấp.
Hay tại Trường THPT Hoài Đức A, hiện cũng đã thành lập Ban đề thi trắc nghiệm với 2 bộ môn KHTN và KHXH. Nhiệm vụ của những Ban này là lên kế hoạch nghiên cứu đề thi và cho học sinh thi thử nhiều lần.
Hiệu trưởng Phạm Huy Chính cho biết: Với các môn KHTN hay KHXH nhà trường rất coi trọng, đặt vấn đề cho chính giáo viên phải tự tìm tòi có được những câu hỏi hay, giúp học sinh được thực hành, chuẩn bị tâm thế làm bài tốt nhất.
Bên cạnh trang bị bộ đề thi, hướng dẫn học sinh ôn tập, nhiều trường cũng trang bị cho học sinh kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, cách sử dụng máy tính.
Ví dụ, tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, hiện đã có xây dựng các chuyên đề về kỹ năng tính toán nhanh cho học sinh, cách sử dụng máy tính để học sinh có thể thao tác nhanh, có biện pháp xử lý tình huống linh hoạt khi áp dụng vào làm bài.
Khó ra đề các môn xã hội
Theo nhiều thầy cô, việc ra đề trắc nghiệm cho học sinh ôn tập cũng không hề đơn giản, bởi đã quen với cách ra đề truyền thống. Khi bắt tay vào thực hiện, nhiều thầy cô giáo tỏ ra khá lúng túng.
Trong đó, lúng túng nhất là sắp xếp các câu hỏi theo hướng từ dễ đến khó nhưng vẫn bảo đảm đánh giá, phân loại được năng lực học sinh.
Trong sự khó khăn chung thì các giáo viên dạy những môn xã hội lại càng “đau đầu”, bởi từ trước đến giờ những môn này thường được giáo viên ra đề thi theo mô tuýp chung, nay lại phải làm đề thi trắc nghiệm.
Đồng thời, với hình thức thi mới cũng lại đặt ra cho giáo viên nhiều yêu cầu mới, ví dụ không được dạy theo kiểu truyền thống, nặng về lý thuyết trong sách vở, mà yêu cầu phải dạy sát chủ đề, có liên hệ thực tế...
Chẳng hạn ở môn Lịch sử, mặc dù đã có phương án chính thức của Bộ từ cách đây cả tháng, nhưng nhiều giáo viên giảng dạy môn học này vẫn khẳng định, rất khó để hướng dẫn học sinh ôn tập.
Nhiều giáo viên hoang mang không biết ra đề thi cho học sinh như thế nào, hay không biết bắt đầu ôn tập cho học sinh từ đâu?
TS Tưởng Phi Ngọ - Phó Trưởng khoa Lịch sử, ĐHSP TP HCM chia sẻ: Lịch sử phải có hệ thống theo thời gian, không gian, chủ đề, đánh giá từ thấp lên cao. Bây giờ thi theo trắc nghiệm sẽ tráo lung tung, không có chủ đề nào cả. Chưa kể rủi ro, đoán mò, quay cóp. Giả sử đặt mình vào địa vị thí sinh, chỉ còn 5 phút hết giờ, các bạn có ngồi suy nghĩ nữa không hay khoanh đại vào cho hết? Chắc chắn đa phần sẽ chọn khoanh bừa được câu nào hay câu đó, thì như vậy là may rủi… Trong các trường, chắc chắn sẽ có chuyện học, ôn và thi theo đề trắc nghiệm.
Học sinh trước đây học theo hệ thống, còn bây giờ sẽ quan tâm đến hướng học theo thi trắc nghiệm, theo các dạng đề, phá vỡ học theo hệ thống. Mà hệ thống là cái rất cần của lịch sử. Khi hệ thống chệch thì không thể hiểu lịch sử nữa mà chệch ngang dọc, không đảm bảo mục tiêu với môn học này.
Nói về việc ôn tập theo hình thức thi mới, TS Tưởng Phi Ngọ cũng nói rằng đây là một việc rất khó. Với những bạn học chăm, kiến thức tốt thì có thể làm được, nhưng để đạt kết quả cao thì khó.
Sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các trường Mặc dù đã có đề án thi chính thức cho năm 2017, cũng như đề thi minh họa, tuy nhiên nhiều trường vẫn còn rất lúng túng trong việc hướng dẫn, ôn thi cho học sinh. Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Hiện nay trên cơ sở phương án thi và tuyển sinh của Bộ, các sở và các trường cũng đã nắm được hết các nội dung cơ bản. Sắp tới Bộ cũng sẽ ban hành quy chế thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, trong đó sẽ có những quy định rất cụ thể trên nền tảng phương hướng mà Bộ đã đưa ra trước đó. Sau khi ban hành Quy chế thi và tuyển sinh, Bộ cũng sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các sở và các trường thực hiện. Những hướng dẫn chi tiết đó, bây giờ học sinh chưa quá cần biết, mà quan trọng nhất là các em biết được mình sẽ thi theo nội dung như thế nào. Điều này thì Bộ GD&ĐT đã đưa ra đầy đủ trong phương án thi và tuyển sinh 2017. Th. Anh(ghi) |