Giáo dục

Đổi mới dự giờ

Đặng Tự Ân 19/02/2024 14:00

Đổi mới dự giờ là thay đổi cách tổ chức dự giờ truyền thống, phù hợp với quan điểm mới về giáo dục, về phương pháp mới dạy học và đặc biệt về mục tiêu đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

anhbaiduoi.jpg
Đổi mới phương thức dự giờ, hướng tới học sinh. Ảnh: M.Quang.

Những thói quen khó sửa trong suy nghĩ của đa số giáo viên (GV) và cán bộ quản lý trong tổ chức dự giờ khiến cho tổ chức dự giờ vẫn theo nếp cũ, khó chuyển kịp theo xu hướng mới. Đây thực sự như là cơn gió ngược trên con đường đổi mới theo mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho người học.

Hiện nay, bản chất của dự giờ là hướng tới người dạy. Được dựa theo quan điểm dạy học cũ lấy GV làm trung tâm trong các hoạt động chuyên môn cũng như định hướng phát triển nhà trường. Mặc dù, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) đã có văn bản (mới có ở phạm vi bậc Tiểu học) yêu cầu đổi mới hoạt động dự giờ nhưng nhiều trường vẫn giữ quan niệm dạy học cũ. Bên cạnh, do hiểu không đầy đủ dự giờ theo cách mới, nhiều trường tiếp tục tạo ra áp lực năng nề cho GV và học sinh. Dẫn đến, việc tổ chức dự giờ còn nặng hình thức, đôi khi còn tạo ra sự phản cảm trong giáo dục và xã hội.

Dạy học lấy GV làm trung tâm là cách dạy truyền thống, rất cũ, có từ lâu đời, qua nhiều thế hệ. Đặc điểm cơ bản là GV là người thuyết trình, diễn giải kiến thức, còn học sinh lắng nghe ghi chép, học thuộc bài và áp dụng làm bài tập. Chính vì thế, hoạt động dự giờ chỉ tập trung vào xem xét đánh giá GV có làm đúng theo quan điểm dạy học cũ không. Kế hoạch dự giờ được lên “kịch bản” rất công phu, được sự tham gia, góp ý của nhiều GV, cùng với điều kiện dạy học được huy động tối đa, khác xa với thực tế nhà trường. GV cũng được chọn trong số những GV có uy tín nhất trong trường, nên các tiết dạy chủ yếu là “biểu diễn”, các GV dự tuy rất khen nhưng khó có thể học và làm được, vì học sinh của mỗi trường có hoàn cảnh thực tế rất khác với học sinh ở lớp dự giờ.

Đặc biệt, mục đích của dự giờ là đánh giá xếp loại nên tạo áp lực cho người dạy, chịu sự “mổ xẻ” nhiều khi không công bằng mặc dù người dạy vất vả đầu tư tiết dạy rất công phu, có khi cả tháng trước khi dạy.

Dự giờ đổi mới là phải hướng tới người học. Được dựa trên quan điểm, lấy học sinh là trung tâm trong quá trình dạy học và giáo dục. Từ đó, hoạt động học chịu sự chỉ đạo hướng dẫn của hoạt động dạy. Nên mục đích dự giờ là để đánh giá việc học của học sinh chứ không phải việc dạy của GV như theo cách cũ. Người dự cần quan sát GV có hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tìm tòi, phát hiện và vận dụng kiến thức và rèn luyện kỹ năng không? Có đánh giá quá trình học của sinh được thường xuyên và có tác động tích cực tới việc học tới mức nào? Về tâm thế mỗi học sinh có vui sướng, hồ hởi và cảm xúc hạnh phúc trong quá trình học tập hay thờ ơ?

GV phải luôn phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Chấp nhận sự khác biệt và yêu thương mỗi cá nhân học sinh. Không quản lý lớp học theo cách thể hiện quyền uy của giáo viên và không tạo ra khoảng cách thầy - trò hay trò - trò.

GV phải hướng dẫn, hỗ trợ để học sinh từng bước tự tìm ra kiến thức và vận dụng kiến thức trong thực tế. Quan tâm tới từng học sinh học tập chưa? Học sinh thực hiện nhiệm vụ của GV giao đến đâu?

Do vậy, người dự vẫn có thể ngồi cùng hướng với người dạy hoặc đi lại (trật tự) để quan sát học sinh, thậm chí ghi lại hình ảnh biểu cảm học sinh. Người dự cần quan sát người dạy có “bỏ quên” học sinh hay nhận xét đánh giá học sinh có khách quan, có động viên cố gắng học tập của các em? Tuyệt đối không đưa ra kết luận là sai hay thất bại giờ dạy, gây thương tổn cho đồng nghiệp. Chính vì sự khác biết vậy, dẫn đến thực tế có GV đã được công nhận dạy giỏi theo chương trình cũ những vẫn có thể không đạt được chuẩn giáo viên dạy giỏi theo chương trình mới.

Chính vì thế dự giờ đổi mới được gọi là “nghiên cứu bài dạy” và gọi “bài dạy minh họa” thay cho “bài dạy mẫu” theo cách gọi kiểu cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới dự giờ