Một trong những mục tiêu của giáo dục ngày nay là tạo dựng được lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cho giáo viên và học sinh. Hiệu trưởng với vai trò là “đầu tàu” cần thấu hiểu, dẫn dắt xây dựng trường học trở thành một thiết chế văn hóa, một môi trường dân chủ. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với báo Đại Đoàn Kết nhân dịp đầu Xuân 2020.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Lấy lại niềm tin vào ngành giáo dục
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2019 được coi là năm “bản lề” để chuyển sang một giai đoạn khác trong một lộ trình chiến lược thông thường là 10 năm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật của ngành sau một năm nỗ lực, cố gắng của hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên, cũng như của Bộ GD&ĐT?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2019 là năm bản lề thực hiện chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và cũng là năm “nước rút” của ngành Giáo dục nhằm chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Có thể nói, hoạt động được toàn ngành thực hiện xuyên suốt và đạt hiệu quả cao trong năm qua là chuẩn bị đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất triển khai Chương trình mới.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện. Trong đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) được Quốc hội thông qua là điểm nhấn quan trọng.
Giáo dục Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục ghi dấu ấn tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực với 100% học sinh tham dự đoạt giải, trong đó chủ yếu là huy chương vàng và huy chương bạc. Nối tiếp kết quả đánh giá PISA năm 2015, năm 2018 Việt Nam tham gia vào đợt đánh giá mới. Kết quả PISA 2018 được OECD công bố ngày 3/12/2019 cho thấy, Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể ở cả 3 lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học và Khoa học. Đặc biệt, học sinh Việt Nam được đánh giá là có tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỉ lệ có mặt tham gia cao, tỉ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Giáo dục mầm non có một năm với nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đã có nhiều biện pháp quản lý chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục mầm non linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm.
Ở bậc ĐH, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở ĐH có tên trong bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu. Bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu Châu Á, Việt Nam cũng góp mặt 8 trường.
Năm 2019 còn là một năm ngành Giáo dục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và dạy học. Lần đầu tiên cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thiết lập, dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách một cách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Một kết quả cũng cần được nhắc đến trong năm 2019 của ngành Giáo dục là việc tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, lấy lại niềm tin của nhân dân sau kỳ thi năm 2018 xảy ra sai phạm ở một số địa phương. Kết quả của kỳ thi không chỉ là sự nỗ lực của toàn ngành mà còn là của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp và địa phương. Kết quả này tạo tiền đề để ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá trong những năm tiếp theo tiệm cận với xu hướng của thế giới.
Quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ
Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được biên soạn theo Chương trình GDPT mới đã chính thức được Bộ GDĐT công bố sau rất nhiều chờ đợi, mong mỏi của cả xã hội. Năm học tới đây, Chương trình GDPT mới sẽ chính thức được triển khai trên toàn quốc. Những điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đến nay đã được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng tốt nhất quá trình đổi mới này?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:Trong nhiều năm qua, cùng với quá trình xây dựng chương trình, SGK GDPT mới, công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình đã được ngành Giáo dục, các địa phương tích cực thực hiện.
Xác định đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai Chương trình GDPT mới nên thời gian qua, ngành giáo dục đã tập trung cho việc chuẩn hóa đội ngũ, theo đó bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý với 4 nhóm đối tượng gồm: Giáo viên trường phổ thông, giảng viên các trường sư phạm, hiệu trưởng trường phổ thông và cán bộ quản lý cấp sở, phòng. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và ban hành các chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, tiêu chí và phù hợp hơn với thực tiễn.
Tính đến thời điểm này, đã có gần 40.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng về Chương trình GDPT mới. Theo kế hoạch, trước khi vào năm học 2020-2021, tất cả giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng các trường tiểu học sẽ được bồi dưỡng về Chương trình GDPT mới và các chuyên đề/modul cốt lõi của chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để sẵn sàng cho việc triển khai Chương trình bắt đầu từ năm học 2020-2021 với lớp 1.
Cùng với chuẩn bị đội ngũ giáo viên, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới đã được Bộ GD&ĐT tích cực thực hiện. Trong năm học 2018-2019 đã có hơn 14.308 phòng học được bổ sung mới. Các địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hiện nay tỉ lệ này đạt 80,06%. Có nhiều địa phương đạt tỉ lệ 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.
Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất với mục tiêu đảm bảo triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 1.
Môi trường dân chủ thúc đẩy dạy và học tích cực
Quản trị trong các nhà trường phổ thông là vấn đề khá mới ở Việt Nam nhưng không thể không đặt ra trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Trong đó, vai trò của hiệu trưởng - những “đầu tàu” phải thay đổi như thế nào để thích ứng với yêu cầu của thời cuộc, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trong mỗi nhà trường, hiệu trưởng có vai trò hết sức quan trọng trong việc dẫn dắt, tạo ra môi trường dạy và học tích cực. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay, việc thay đổi để đáp ứng với yêu cầu mới càng trở nên quan trọng với những người gánh trọng trách “đầu tàu” trong mỗi nhà trường.
Hiệu trưởng phải là người dẫn dắt để xây dựng trường học trở thành một thiết chế văn hóa, một môi trường dân chủ. Ở đó giáo viên được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được đóng góp ý kiến; học sinh được tôn trọng, được phát huy năng lực, được thể hiện bản thân, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng và không ai bị bỏ rơi.
Hiện nay, có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích.
Học sinh đến trường bên cạnh việc học tập phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo. Khi không phải chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử các em sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời giáo viên sẽ phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời học sinh. Cần khen chê đúng và loại bỏ những hình phạt, thay vào đó là kỉ luật tích cực.
Một trong những mục tiêu của giáo dục ngày nay là tạo dựng được lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cho giáo viên và học sinh, hiệu trưởng cần nắm bắt được mục tiêu này để theo đuổi trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt nhà trường.
Cải cách giáo dục cần những bước đi chắc chắn
Đối với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, năm 2019 vẫn ghi nhận có những trường ĐH “có tên mà không có thực”. Vậy, giải pháp nào để sớm xử lý triệt để thực trạng trên?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước hết phải khẳng định, những năm qua giáo dục ĐH đã có nhiều chuyển biến tích cực, tự chủ ĐH ngày càng mở rộng và đi vào thực chất đã nâng cao chất lượng đào tạo. Văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở giáo dục ĐH. Một số trường ĐH đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển. Các trường đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên…
Tuy nhiên, giáo dục ĐH cũng còn một số tồn tại cần khắc phục, đâu đó còn một số trường ĐH yếu kém, chất lượng thấp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải sớm quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH theo hướng tinh gọn và hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với sử dụng.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã đặt hàng một số nhà khoa học, nhóm nghiên cứu để có được những nghiên cứu căn cơ, bài bản, khoa học, có đánh giá tác động sâu sắc và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH và Đề án rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm, từng bước tinh gọn mạng lưới đào tạo giáo viên, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng, gắn trách nhiệm trực tiếp của các trường sư phạm với các địa phương.
Việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH là yêu cầu cấp thiết song cần phải được làm bài bản với những bước đi chắc chắc, đảm bảo mục đích cao nhất của việc quy hoạch, sắp xếp là nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước đưa chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam nâng lên ngang tầm khu vực và thế giới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!