Du lịch

Đổi mới sản phẩm du lịch theo xu hướng toàn cầu

Kim Thu 29/03/2025 08:15

Định hình và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo để tạo hiệu quả cao cho các liên kết du lịch là nội dung được thảo luận tại Hội nghị khu vực của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố Toàn cầu năm 2025 tại Hà Nội, diễn ra vào ngày 28/3. Sự kiện do Sở Du lịch TP Hà Nội và Ban Thư ký Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu (TPO) tổ chức.

Tăng cường liên kết, hợp tác

Bà Kang Da-eun - Tổng Thư ký TPO cho biết, hội nghị lần này là một cơ hội hết sức quan trọng để tăng cường vị thế và sự hiện diện của các thành phố du lịch Việt Nam trong mạng lưới quốc tế.

tren(2).jpg
Du khách nước ngoài ngồi xích lô dạo phố Hà Nội. Ảnh: Đức Quang

Trong khi đó, theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Hội nghị khu vực của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố của TPO năm 2025 là sự kiện thường niên và quan trọng nhằm cập nhật thông tin về các hoạt động và chương trình của TPO trong thời gian tới, đồng thời tạo điều kiện để các thành viên tại Việt Nam trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung nguồn lực để tăng cường quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, trong đó Hàn Quốc là một trong những thị trường tiềm năng lớn. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội mong muốn, Ban Thư ký TPO sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực để tăng cường sự kết nối giữa các thành phố của Hàn Quốc và các thành phố của Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, các thành viên Việt Nam đã có những trải nghiệm quý báu và thể hiện sự tham gia tích cực, hiệu quả trong các hoạt động của TPO. Những trung tâm du lịch nổi bật như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng... đang ngày càng trở thành những điểm đến hấp dẫn, góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

Theo ông Hà Văn Siêu, du lịch Việt Nam hiện đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, với nhiều tiềm năng và nội lực lớn. Trong quá trình này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao vai trò tiên phong của TPO trong việc định hướng xu hướng du lịch mới và kết nối các thành phố thành một mạng lưới hợp tác hiệu quả. “Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang phục hồi và chuyển mình mạnh mẽ, vai trò kết nối của TPO ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt là thông qua ứng dụng công nghệ, triển khai các chương trình hành động cụ thể để xây dựng những tuyến du lịch liên kết, tăng cường giao lưu và hình thành mạng lưới các điểm đến giữa các thành phố thành viên” - ông Hà Văn Siêu bày tỏ, đồng thời cam kết luôn đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp và các thành viên của TPO tại Việt Nam để các sáng kiến, dự án và chương trình cụ thể đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả bền vững.

Đổi mới sản phẩm bằng công nghệ

Với chủ đề “Định hình sản phẩm du lịch độc đáo: Tăng sức hấp dẫn cho các thành phố Việt Nam”, hội nghị tập trung thảo luận các chiến lược phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo, tạo ra điểm nhấn thu hút du khách quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành phố thành viên TPO.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, ngành du lịch đang đối diện sự cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng khốc liệt. Ba thách thức lớn nhất ngành du lịch sẽ đối mặt bao gồm: chi phí đi lại tăng cao, thiếu nguồn cung lưu trú chất lượng, và tác động từ bất ổn kinh tế toàn cầu. Du lịch bền vững và có trách nhiệm không còn là khẩu hiệu mà là một trong những tiêu chí quan trọng trong lựa chọn điểm đến. Hiện nay có một số xu hướng du lịch thu hút du khách, như: du lịch cá nhân hóa và tự túc; du lịch chăm sóc sức khỏe và tinh thần; xu hướng du lịch kết hợp làm việc (workation)... Vì thế, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh để nắm bắt cơ hội và giải quyết những vấn đề như tính mùa vụ. “Cơ quan quản lý cần nới lỏng visa, đơn giản hóa thủ tục để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực; đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông kết nối, lưu trú và công nghệ số tại điểm đến” - ông Long đề xuất.

Đề xuất các giải pháp thu hút khách quốc tế hiệu quả, bà Mai Thy - Quản lý thị trường Việt Nam của Traveloka đề xuất 4 chiến lược quan trọng gồm: Xây dựng thương hiệu điểm đến và tiếp thị số bằng các chiến dịch kể chuyện sáng tạo; tận dụng OTA để mở rộng thị trường; thúc đẩy hợp tác công - tư để đồng bộ hạ tầng, giao thông và thủ tục visa; phát triển du lịch bền vững.

Hội nghị khu vực của TPO năm 2025 là cơ hội để Hà Nội và các thành phố thành viên tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao lưu và quảng bá du lịch, góp phần đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Qua đó, sự kiện khẳng định vai trò quan trọng của TPO trong việc thúc đẩy du lịch toàn cầu, kết nối các thành phố và xây dựng một nền du lịch bền vững, sáng tạo và phát triển.

TPO (Tourism Promotion Organization for Global Cities - Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu) là tổ chức du lịch lớn có trụ sở tại thành phố Busan, Hàn Quốc, hoạt động vì sự phát triển và thịnh vượng của các thành phố thành viên, thông qua sự hợp tác giữa các thành phố trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức có 137 thành phố thành viên thuộc 16 quốc gia. Việt Nam hiện có 8 tỉnh, thành phố là thành viên của TPO gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Vũng Tàu. Hà Nội chính thức gia nhập TPO từ năm 2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới sản phẩm du lịch theo xu hướng toàn cầu