Xếp hạng giáo viên liên quan trực tiếp đến mức lương giáo viên sẽ nhận được. Do đó, thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên.
Thông tư mới nhất của Bộ GDĐT liên quan đến vấn đề này là Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay thế các Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT, 28/2017/TT-BGDĐT và bãi bỏ Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.
Theo đó, Thông tư có một số điểm mới về các quy định về quy chế thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập so với các quy định trước đó. Cụ thể, giáo viên dự thi, xét thăng hạng chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ ở năm liền kề thi, xét thăng hạng trong khi ở quy định trước đó, để được dự thi thăng hạng giáo viên phải đảm bảo “Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp...”. Như vậy, yêu cầu này được nới lỏng hơn so với trước.
Thông tư 34 cũng bỏ quy định điểm tăng thêm trong khi thi, xét thăng hạng mới. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100 với hai điểm thành phần là “Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng” và “Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” trong khi Thông tư 28/2017 có thêm “Nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở hạng đề nghị xét”.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết Bộ đang sửa đổi những quy định về chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm sao để “công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”. Đây cũng là tâm tư của hầu hết giáo viên khi tiếp cận với chùm thông tư này bởi căn cứ vào các tiêu chuẩn xếp hạng giáo viên và tự đối chiếu điều kiện bản thân, không ít giáo viên thấy thất vọng về cơ hội tăng hạng, tăng lương, thậm chí nhiều người còn lo giữ hạng không nổi!
Một giáo viên tại Hà Tĩnh đề xuất việc thăng hạng giáo viên nên căn cứ vào quá trình lao động. Ví dụ, sau 15 năm công tác, giáo viên là lao động tiên tiến, giảng dạy tốt, không vi phạm được nâng lên hạng II. Tương tự, 25 năm gắn bó với nghề, làm tốt, giáo viên được nâng hạng I. Với quá trình phấn đấu rõ ràng như vậy sẽ hợp lý hơn việc đề ra hàng loạt yêu cầu khó thực hiện, trong đó có thể tính tới các yếu tố cộng thêm để nâng hạng trước thời hạn đối với các giáo viên có thành tích nổi bật, vượt trội - cách làm như vậy sẽ công bằng và khuyến khích thầy cô phát huy năng lực, sở trường của mình mà không phụ thuộc vào các chứng chỉ đôi khi gây phiền hà, lãng phí mà không hướng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.