Tính đến hết tháng 4/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Con số nói trên cho thấy, càng gia tăng xuất khẩu, càng hội nhập sâu rộng, hàng hóa của chúng ta càng đối diện với nhiều rủi ro.
Nhiều thị trường “giăng bẫy”
Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Suốt thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã và đang bị bủa vây bởi các biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều nước nhập khẩu khác nhau, với sự gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc. Đáng chú ý, năm 2020 Việt Nam phải đối mặt với 39 vụ kiện phòng vệ thương mại mới, cao gấp 2,5 lần so với năm 2019. Nguyên nhân chính được cho là dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế trên thế giới, khiến cho nhu cầu tiêu dùng sụt giảm gây khó khăn cho các ngành sản xuất nội địa. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng 6,5%, đặc biệt ở một số thị trường trọng điểm, cạnh tranh với hàng nội địa của các nước này, khiến họ phải tìm đến các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
6 tháng đầu năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 7 vụ kiện phòng vệ thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau. Đồng thời, nhiều vụ kiện được khởi xướng từ trước đã có quyết định áp thuế tạm thời hoặc cuối cùng. Lũy kế đến hết Quý II/2021 đã có tổng cộng 208 vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhận định, nhiều quốc gia một mặt dỡ bỏ rào cản, một mặt áp dụng chính sách nhất định để bảo vệ nền kinh tế trong nước. “Đặc biệt là sự tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ chuỗi cung ứng qua đó để bảo đảm vị thế của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Thái nói.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại song phương và đa phương với hơn 60 đối tác. Tuy nhiên, có những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, thì lại thiếu tính ổn định vì Việt Nam và Mỹ chưa có quan hệ hiệp định đối tác thương mại tự do. Vì thế, rủi ro xảy ra là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam dễ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại.
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Theo xu hướng, nhiều nước gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào. Thậm chí gần đây, các nước xung quanh Việt Nam trong khu vực châu Á và Đông Nam Á cũng tăng cường kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
Trong số các ngành đối diện với rủi ro phòng vệ thương mại từ nước nhập khẩu, thép là ngành hay “dính” nhất. Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ khi CPTPP có hiệu lực (14/1/2019), kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Mexico tăng trưởng mạnh mẽ. 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép sang Mexico đã vượt con số 700.000 tấn, với giá trị gần 800 triệu USD cho thấy Mexico là điểm đến, là một thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu thép Việt Nam. Việc gia tăng xuất khẩu vào các thị trường quốc tế là tín hiệu tích cực, đặc biệt là cơ hội tới từ các FTAs, song kèm với đó, các DN xuất khẩu cũng vướng phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại hơn.
“Với năng lực xuất khẩu và khả năng tiếp nhận mạnh mẽ, khi thép Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Mexico cũng như các thị trường FTAs, việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều dễ hiểu. Các DN Việt Nam đã sẵn sàng cuộc chơi này mặc dù khả năng thép Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu sang thị trường này, ảnh hưởng đến hiệu quả, công ăn việc làm của DN xuất khẩu thép” - ông Đa nêu quan điểm, đồng thời cho biết, thời gian qua VSA đã phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại hướng dẫn cho DN chuẩn bị số liệu, sổ sách, tài liệu để trả lời, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra Mexico. VSA cũng khuyến cáo các DN mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước, thực hiện đạo đức kinh doanh, công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những cáo buộc dẫn đến các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
Có thể khẳng định, không chỉ ngành thép, các ngành xuất khẩu lớn của ta như dệt may, da giày, thủy sản... cũng đã chủ động hơn trong việc trang bị cho mình những công cụ để bảo vệ khi đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo Bộ Công thương, nhờ sự nỗ lực của DN và các hiệp hội ngành hàng, sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...
Bên cạnh việc hỗ trợ DN tham gia, xử lý trong giai đoạn điều tra ban đầu, Bộ Công thương cũng phối hợp với các hiệp hội tổ chức các buổi hội thảo tư vấn, hướng dẫn DN về thủ tục rà soát thuế chống bán phá giá hàng năm của nước ngoài để giúp các DN thay đổi, giảm thiểu được mức thuế trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc. Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, các DN Việt cần xác định, các biện pháp phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi trong thương mại quốc tế và năng lực pháp lý của DN khi tham gia vào các vụ kiện rất quan trọng.
Theo TS Hoàng Ngọc Thuận (Trường ĐH Ngoại thương), một trong những công cụ quan trọng để đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại cũng như các rủi ro pháp lý khi tham gia vào thị trường mới đó là nguồn lực tài chính. “Nguồn lực tài chính này để dành cho thuê luật sư, công ty tư vấn nước ngoài. Ví dụ như vụ điều tra thép của Mexico, các DN không chỉ sử dụng luật sư trong nước mà cần thuê đội ngũ tư vấn từ Mexico. Ngoài ra là hệ thống sổ sách của DN phải rõ ràng, minh bạch, nhất là hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực quốc tế” - ông Thuận lưu ý.