Trong những năm qua, kinh tế của đồng bào dân tộc Mông ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) chủ yếu dựa vào làm nương, trồng rừng. Chính vì vậy đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ thay đổi cách làm ăn nhiều gia đình đã trở nên khấm khá.
Người tiên phong
Trong khu trang trại rộng hơn 1ha của mình, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Pom Khuông Lý Seo Châu đang tất bật chuẩn bị thức ăn cho đàn bò thương phẩm (gần 20 con). Đây là năm thứ 8, gắn bó với kinh tế trang trại và anh thường được bà con gọi vui là “người tiên phong” trong cách nghĩ và làm giàu mới.
Hơn 30 tuổi nhưng Lý Seo Châu đã có 2 nhiệm kỳ làm Bí thư kiêm Trưởng bản và hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn và Trang trại bản Pom Khuông. Châu kể: Trước đây gia đình anh cũng như bà con dân bản, tất cả đều trông chờ vào diện tích nương rẫy ít ỏi, bạc màu, chăn nuôi cũng nhỏ lẻ nên cái đói cứ dai dẳng đeo bám. “Đến hẹn lại lên”, cứ giáp hạt là trong nhà hết lúa, hết gạo. Khi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, anh Châu trăn trở rất nhiều. Làm gì để dân bản hết nghèo vẫn là câu hỏi khó trả lời. Và Châu đã chọn mô hình trang trại…
Năm 2015, Lý Seo Châu bắt đầu nuôi bò theo hình thức vỗ béo, nghĩa là sẽ chọn những con khỏe mạnh và nuôi nhốt, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. “Gia đình tôi là hộ đầu tiên của bản nuôi bò theo hình thức vỗ béo. Bò được chăm sóc, ăn uống đầy đủ nên lớn nhanh, giá bán cũng cao hơn. Vừa nuôi bò, tôi vừa vận động bà con nuôi theo hướng mới. Hiện nay, toàn bản có 250 con trâu, bò, hơn 2.000 con gia cầm, đã có 15 hộ đang nuôi bò vỗ béo, mỗi con bò sau khi nuôi vỗ béo trung bình bán ra thị trường có giá hơn 30 triệu đồng. Đồng thời, hình thức nuôi bò vỗ béo còn giúp giảm được tập quán thả rông, ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng được phụ phẩm từ cỏ, ngô, sắn và cây chuối, phòng trừ dịch bệnh” - Lý Seo Châu kể.
Không chỉ có nuôi bò vỗ béo, gia đình Lý Seo Châu còn trồng hơn 200 cây ăn quả như nhãn, xoài, vải thiều. Chi hội Làm vườn và Trang trại bản Pom Khuông có 60 hội viên và Lý Seo Châu là chi hội trưởng, vì vậy anh trở thành cầu nối gắn kết các hội viên cùng học hỏi nhau trong cách làm vườn, phát triển kinh tế.
Ở bản còn có gia đình ông Lý Seo Thề là hộ trồng nhiều cây nhãn, ổi và nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm; gia đình Hầu A Dìa và Mùa A Hồ có mô hình trồng ổi cũng cho thu nhập ổn định.
Đến năm 2022, Lý Seo Châu cũng là người đầu tiên, xung phong nuôi gà theo phương pháp mới và tuyên truyền cho bà con mạnh dạn chăn nuôi. Được cán bộ huyện, tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, làm chuồng trại, 10 hộ dân trong bản đã mạnh dạn nhận nuôi tổng cộng 1.000 con gà. Trong đó, các hộ gia đình anh Sùng A Pao, Lý Seo Dơ, Giàng A Hòa, Sùng A Giống... đã xuất bán lứa đầu tiên. Từ mô hình nuôi gà thịt, Lý Seo Châu nhen nhóm ý tưởng tiếp tục chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ, vận động bà con trong bản áp dụng kỹ thuật mới vừa được cán bộ tỉnh, huyện hướng dẫn để phát triển chăn nuôi.
Góp sức cho nông thôn mới
Cách đây 10 năm, Pom Khuông nằm biệt lập so với những bản khác của xã Tam Chung. Cái nghèo, cái khó hiện lên trên từng nóc nhà, con đường và những con người... Sau 10 năm, Pom Khuông đã thay đổi và đang nỗ lực về đích nông thôn mới.
Không chỉ vận động bà con thi đua phát triển kinh tế, nuôi bò vỗ béo, trồng cây ăn quả, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lý Seo Châu còn vận động bà con chung tay xây dựng Nông thôn mới, như góp công, góp của sửa sang nhà cửa, các tuyến đường nội bản; vận động bà con trồng lúa lai có năng suất cao như PC15; vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình, bản văn hóa...
Vừa qua, Đồn Biên phòng Tam Chung, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5, cán bộ công chức xã Tam Chung đã đóng góp số tiền 23 triệu đồng hỗ trợ cho một số hộ bản Pom Khuông chưa có nhà vệ sinh được xây mới, góp phần hoàn thành tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Nói về hiệu quả kinh tế từ các mô hình trang trại ở Pom Không, ông Hà Văn Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết: Xã có 8 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Là xã vùng cao thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, ngành nghề dịch vụ và lao động đi làm ăn xa. Những năm qua, để giúp bà con nơi đây thoát nghèo, ổn định cuộc sống, địa phương đã triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước.
Từ các chính sách hỗ trợ, bà con trong bản đã đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, trồng rừng, nên mức sống dần được nâng lên. Năm 2022, xã có 2 bản đăng ký xây dựng Nông thôn mới, trong đó có bản Pom Khuông và hiện nay bản đã đạt 13/14 tiêu chí. “Chúng tôi lấy thực tiễn xây dựng Nông thôn mới ở Pom Khuông làm bài học, tấm gương cho các địa phương khác của xã noi theo. Ở đây không chỉ đơn thuần là chung tay xây dựng nông thôn mới mà còn khẳng định cái hay, cái tốt trong cách nghĩ hay, làm mới, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, canh tác của người dân lâu nay.” - Ông Thìn khẳng định.
Ông Hà Văn Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết, xã có 8 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Là xã vùng cao thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, ngành nghề dịch vụ và lao động đi làm ăn xa. Những năm qua, để giúp bà con nơi đây thoát nghèo, ổn định cuộc sống, địa phương đã triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước.