“Tháng 5 về con lại nhớ Kim Liên”, lời bài hát đầy xao xuyến và xúc động thể hiện tình cảm của các thế hệ đối với một con người vĩ đại, bao la và nhân ái: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về Nam Đàn hôm nay, dưới nắng vàng chói chang, quê Bác đổi thay từng ngày, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến đời sống người dân.
Cánh đồng mẫu lớn tại xã Kim Liên, một trong những mô hình đầu tiên trong nông nghiệp ở huyện Nam Đàn.
Thay đổi từ nhận thức
Nói về Nam Đàn câu thơ của Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 - 1818) ghi trong “Nghệ An thi tập” đã tổng quát tất cả về vùng đất địa linh nhân kiệt nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt này. “Hè đến gió Lào như lửa đốt/ Thu qua mưa phùn lấm tấm sa/ Tháng Mười sông còn tràn nước lũ/ Mồng 9 tháng 9 cúc chưa nở hoa”.
Vậy nhưng, vượt lên tất cả trong những năm qua huyện Nam Đàn đã có bước tiến về mọi mặt, nhanh chóng bắt nhịp xu thế phát triển nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn hiện nay. Vùng đất sinh ra vị Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, nơi ươm mầm cho ý chí độc lập tự do, giờ được tiếp nối với những con người nơi đây bằng cách xây dựng quê hương Người ngày càng giàu đẹp.
Những ngày này về thăm quê Bác, điều dễ nhận thấy là các hoạt động thi đua lao động sản xuất, văn hóa, văn nghệ, thể thao đang diễn ra sôi nổi từ các xã để chào mừng những ngày lễ lớn. Trong ánh nắng chói chang, dọc theo những con đường nhựa, những cánh đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp.
Trên các nẻo đường, từ Quốc lộ 46, đường du lịch ven sông Lam, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, các con đường liên xã đều hiện lên một diện mạo mới của một vùng quê Anh hùng. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt các xã của huyện Nam Đàn khác hẳn cách đây 5 năm.
Trước hết, phải khẳng định đời sống của người dân nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi, từ 16 triệu đồng thì nay đã tăng lên 30 triệu đồng năm 2015. Từ đó, dễ nhận thấy được giá trị của các chính sách cũng như nỗ lực của người dân.
Xã Nam Giang ngày nay.
Đặc biệt nhất vẫn là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, để trở thành huyện kiểu mẫu như lời Người mong ước, ngay từ hôm nay mục tiêu NTM chính là nền tảng để thực hiện được điều đó. Tính đến nay, huyện Nam Đàn đã có 10/23 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm 2016 sẽ có thêm 8-10 xã đạt chuẩn nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 18-20 xã. Sau 5 năm nhân dân toàn huyện đã hiến 168.491m2 đất, dỡ bỏ 13.035 m2 tường rào, đóng góp 235,8 tỷ đồng và 45.910 ngày công trong tổng số 1.088 tỷ đồng huy động được. Riêng năm 2015, huy động được 234 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 44 tỷ đồng, 47.491 m2 đất và 25.910 ngày công.
Trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân Nam Đàn đã ra sức thi đua lao động sản xuất, khai thác tối đa mọi nguồn lực và đã tạo ra những kết quả khá tốt trên nhiều mặt, xứng đáng là quê hương Bác Hồ. Kinh tế liên tục tăng trưởng, tốc độ bình quân đạt 10,5%/năm. Cơ cấu nông nghiệp tăng 3,8% năm, công nghiệp, xây dựng tăng 18,2% năm, dịch vụ tăng 10% năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp từ 46,2% (năm 2010) xuống 35% (năm 2015); công nghiệp xây dựng tăng từ 27,1% (2010) lên 36,2 % (2015), dịch vụ tăng từ 26,6 (2010) lên 28,7 (2015).
Nhìn vào số liệu trên để thấy được, đời sống kinh tế của huyện Nam Đàn thay đổi theo từng năm. Khi kinh tế phát triển, kéo theo đó là hàng loạt các lĩnh vực khác, nhất là văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế. Ông Vương Hồng Thái- Trưởng ban Tuyên giáo huyện Nam Đàn cho biết, để có kinh tế phát triển, người dân đã tự tìm ra cho mình những cách làm mới nhất là trong sản xuất chăn nuôi.
Nhận thức của người dân bây giờ là “làm cho mình” và từ đó sẽ tạo ra cho xã hội. Chính nhận thức thay đổi nên Nam Đàn giờ phát triển mang tính bền vững, cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều.
Con đường đẹp như tranh tại xóm 4, xã Nam Anh.
Cách làm mới, hiệu quả mới
Có được những thay đổi về đời sống, kinh tế, xã hội trong nhiều năm qua, Nam Đàn đã chứng minh được một điều, đó là phải thay đổi chính cách làm, cách thực hiện một nghị quyết, chính sách và thậm chí từng những việc nhỏ nhất. Đơn cử như tại xã Nam Cát, đến thời điểm này trong sản xuất nông nghiệp, là địa phương nằm trong top những xã cơ giới hóa nông nghiệp một cách căn bản, mà người dân ở đây hay gọi là “phủ trống máy móc nông nghiệp”. T
hời điểm đó, ông Vương Hồng Thái được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã, với quan điểm làm cho dân thấy, để dân được hưởng lợi, cấp ủy chính quyền đã bắt tay vào những việc tưởng chừng cỏn con nhưng rất được lòng dân như chuyển đổi ruộng đất, làm đường bê tông nông thôn, phong trào tiếng trống học bài...
Hay như ở xã Nam Tân, trước việc sản xuất độc canh cây lúa năng suất thấp, chính người dân ở đây đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, từ việc trồng đậu, lạc đã chuyển hẳn sang trồng dứa hấu. Và thực tế là, quả dưa hấu đã mang lại nguồn kinh tế chủ lực cho người dân xã Nam Tân.
Bác Nguyễn Thị Tài- xóm 4, xã Nam Tân chia sẻ: “Cũng trên cánh đồng này, chúng tôi đã trồng lạc, ngô... nhưng hiệu quả thấp, vậy nhưng hơn 3 năm nay, từ khi chuyển sang trồng dưa hấu, thu nhập của người dân ở đây dần ổn định, cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha”.
Riêng tại xã Kim Liên quê Bác, chính quyền địa phương đã xây dựng được cánh đồng kiều mẫu. Tại xóm Hồng 1, xã Kim Liên được sự hỗ trợ của Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An xây dựng các cánh đồng mẫu lớn với diện tích 400 ha.
Ngoài ra, toàn xã hiện có 28 trang trại, gia trại dần đi vào quy chuẩn. Kim Liên đang ngày càng hiện đại, sạch đẹp hơn. Năm 2014, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 100% đường xã được bê tông hóa.
Nay bước vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Kim Liên đã có thêm 6,5km đường theo chuẩn mới rộng và dày hơn. Rồi đến cánh đồng rau sạch tại xã Xuân Hòa, Xuân Nam, Nam Anh... Đó là những ví dụ điển hình về sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người dân quê Bác. Ngoài phát triển kinh tế, cấp ủy chính quyền huyện Nam Đàn rất quan tâm đến phát triển văn hóa, quan tâm tới môi trường, chăm lo đời sống gia đình chính sách.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lâm Sơn- Phó Bí thư huyện Nam Đàn nhấn mạnh: “Nam Đàn đang từng bước trở thành huyện kiểu mẫu, nhưng để đạt được nhiệm vụ ấy, không có cách nào khác là phải thay đổi đời sống kinh tế cho người dân, chính người dân đã thay đổi điều đó qua các mô hình, hiệu quả kinh tế, đời sống được nâng cao.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phải vạch ra được kế hoạch từng năm, thực hiện kế hoạch đó như thế nào, chứ không như trước kia, chỉ mỗi trồng cây chuối mà tổ chức nào cũng đứng ra nhận chăm sóc”.
Cũng theo ông Sơn, Nam Đàn là huyện đầu tiên và sớm nhất trong toàn tỉnh xóa được nhà tranh tre nứa lá, đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa và đến thời điểm này toàn huyện đã có 10 xã đạt chuẩn NTM, trong năm nay phấn đầu có thêm 8 xã đạt chuẩn, tiến tới đưa huyện Nam Đàn thành huyện kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước.