Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh đang là một xu hướng gắn kết giữa cộng đồng với thiên nhiên trong công tác bảo tồn và phát triển.
Đánh thức tiềm năng
Sau 20 năm triển khai, mô hình du lịch cộng đồng đang thổi luồng sinh khí, tạo đà phát triển cho nhiều địa phương, trong đó có những bản làng nghèo. Ở đó, du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội mà còn nâng cao đời sống cho người dân, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.
Theo Tổng cục Du lịch, khu vực miền núi phía Bắc với Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên... Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum. Khu vực miền Nam là các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang... du lịch cộng đồng đã có mặt.
Tuy vậy có một thực tế là đến nay du lịch cộng đồng vẫn đang dừng lại ở mức độ tiềm năng. Thậm chí với nhiều điểm đến vẫn đang hoạt động theo tính tự phát, làm theo phong trào, chưa đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ.
Đơn cử như, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) được thiên nhiêu ưu ái khi đang sở hữu hàng loạt các danh thắng như động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, nước khoáng nóng Cúc Phương và đặc biệt là Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có gần 30 nghìn đồng bào dân tộc Mường sinh sống đang tạo ra những lợi thế trong việc gắn kết giữa văn hóa bản địa với phát triển du lịch cộng đồng. Thế nhưng dù hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch nhưng đến nay du lịch Nho Quan vẫn chỉ dừng ở mức “tiềm năng”, chưa có sự đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2015-2020, khách du lịch đến Cúc Phương cao nhất năm 2018 với 120 nghìn lượt khách, năm 2019 lượng khách giảm, chỉ còn 100 nghìn khách. Năm 2020, do dịch Covid-19 lượng khách nội địa và quốc tế đều giảm, tổng lượt khách là 59 nghìn, đạt 55% so với năm 2019.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long- Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, khảo sát tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, chỉ có 2/13 hộ gia đình hưởng tất cả các lợi ích do du lịch cộng đồng mang lại. Các hộ dân tại đây phản đối do chỉ hai hộ này được hưởng lợi. “Vì vậy, theo tôi cộng đồng nên cùng làm và chia sẻ lợi ích (%) cho những hộ không tham gia làm để cùng phát triển. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của du lịch cộng đồng”- ông Long nói.
Phát huy nội lực
Có thể nói, cùng với đà phát triển của ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19 thì các mô hình du lịch cộng đồng đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức. Theo Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Phạm Hải Quỳnh, tuy du lịch cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại.
Có thể kể đến như chưa có quy chuẩn, quy định cụ thể cho việc phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch cộng đồng rập khuôn, không có sự phân tích và lựa chọn. Ngoài ra, phát triển du lịch cộng đồng nhưng chỉ tập trung phát triển homestay. Đây chỉ là một “cần câu” để liên kết bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào… cho du lịch cộng đồng phát triển.
“Ngoài ra hiện nay mô hình du lịch cộng đồng vẫn đang đầu tư theo phong trào, chưa có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia; chưa được cộng đồng chính thức tham gia vào các hoạt động; các sản phẩm du lịch làm ra chưa đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ khách” - ông Quỳnh bày tỏ.
Đồng hành với sự phát triển của du lịch Cúc Phương nhiều năm và nhìn thấy “điểm nghẽn” của điểm đến này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Cúc Phương (Vedanra Resort) Lê Quốc Thịnh cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo cơ hội cho người dân địa phương “hưởng lợi” từ du lịch, gắn bó các mô hình văn hóa bản địa. Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa.
Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Đơn vị hiện đang thiết kế các tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, người dân địa phương sẽ có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch, bán các sản phẩm địa phương, những đồ thủ công mỹ nghệ, hứa hẹn sẽ tạo ra thu nhập ổn định.
“Tôi không muốn người dân chỉ làm những công việc thời vụ, mà muốn đào tạo để những người dân nơi đây có nghề nghiệp ổn định, có thể sống được bằng nghề của mình. Thời gian qua đơn vị đã hết sức chú trọng việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương. Hiện tại đơn vị đã đào tạo được hàng trăm lao động tại địa phương lành nghề, sẵn sàng trở về phục vụ tại điểm đến Cúc Phương. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, đơn vị cũng đã triển khai sưu tầm được một số lượng lớn hiện vật cồng chiêng và các hiện vật văn hóa tiêu biểu, gắn bó với đời sống người Mường để chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng Văn hóa Mường. Không gian văn hóa Mường không chỉ là nơi trưng bày mà còn lưu giữ, là nơi bà con có thể gửi gắm những kỷ vật, vật dụng gắn bó với sinh hoạt, lao động sản xuất nhiều đời nay” - ông Thịnh cho biết.