So với các loại hình nghệ thuật của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì Đờn ca tài tử có nét đặc thù riêng là được phát triển rộng khắp ở 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Biểu diễn đờn ca tài tử trên sông.
1. Cuối tháng 8, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) sẽ diễn ra Hội thi Đờn ca tài tử, ca ra bộ và trích đoạn cải lương tỉnh Vĩnh Long năm 2019. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đồng thời nhằm tiếp tục củng cố hoạt động, phát triển phong trào, nâng cao chất lượng hoạt động đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long, tạo điều kiện để các nghệ nhân, tài tử giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm.
Theo đó, đối tượng tham gia dự thi là tất cả những nghệ nhân, tài tử đang hoạt động đờn ca tài tử và sinh hoạt tại các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh Vĩnh Long; là người quê ở Vĩnh Long đang hoạt động đờn ca tài tử ngoài tỉnh. Các tiết mục tham gia Hội thi phải có nội dung Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; ca ngợi gương người tốt việc tốt trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hát về chủ quyền biển đảo Việt Nam; ca ngợi quê hương Vĩnh Long đổi mới và phát triển; phản ánh quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng nông thôn mới của địa phương mình. Mỗi huyện, thị xã, thành phố và các ngành thành lập 1 đội Đờn ca tài tử tham gia Hội thi. Chương trình gồm 3 phần: Đờn ca tài tử (Hòa ca, hòa đờn hoặc trình diễn nhạc cụ); Ca ra bộ và Trích đoạn cải lương. Thông qua Hội thi lần này, Ban Tổ chức sẽ tuyển chọn những tiết mục, các cá nhân xuất sắc tham dự Festival Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ III, tại thành phố Cần Thơ năm 2020.
2. Ngược dòng thời gian, ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong hồ sơ trình UNESCO, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được xác định là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, được ra đời ở miền Nam vào cuối thế kỷ thứ 19, sáng tạo trên cơ sở nhạc lễ Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam. Tính dân gian là ai cũng tham gia được, ở bất cứ thành phần nào, hoàn cảnh nào; tính bác học là muốn ca hay, đờn giỏi thì phải có năng khiếu, phải có “nghề”. Đối với các tỉnh, thành Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân ở mọi đối tượng. Đi đến bất cứ đâu, dù ở nơi đô thị hay vùng miệt vườn, vùng sông nước Nam Bộ ta đều có thể được lắng nghe những câu cải lương, vọng cổ.
Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được các tiêu chí đặt ra (được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc…), khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập cùng văn hóa thế giới.