Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Đón sóng tiêu dùng Tết

Ngọc Mai 22/01/2024 08:34

Ở thời điểm này, thị trường hàng hóa Tết vẫn chưa sôi động. Tuy nhiên, dự báo của Bộ Công thương, sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có thể tăng hơn 10% và nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được nhiều doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, tăng từ 10% đến 25% so cùng kỳ.

Chuẩn bị Tết, người dân sẵn sàng “mở hầu bao” cho những mặt hàng cao cấp hơn bình thường để ăn mừng năm mới, biếu tặng người thân, bạn bè. Giàu - nghèo thì ai cũng trông đợi Tết. Sự trông đợi ấy là khác nhau, nhưng điểm chung là mua sắm, tiêu pha chắc chắn sẽ nhiều hơn ngày thường.

Đón sóng tiêu dùng Tết được các doanh nghiệp kỳ vọng “gỡ lại” tình trạng kinh doanh khó khăn suốt thời gian qua. Năm 2023, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn đẫn đến thu nhập của người lao động sụt giảm. Nhiều người phải thắt lưng buộc bụng để chờ đến lúc công việc trở lại, thu nhập trở lại và cũng là để mua sắm cho một cái Tết.

Dù dự báo sức mua của người dân dịp Tết năm nay không cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động trữ lượng hàng hóa lớn. Đó là điều rất đáng hoan nghênh để mọi người, mọi nhà không phải chịu cảnh thiếu hàng Tết. Đáng chú ý, tới thời điểm này, hầu hết các siêu thị trong cả nước đều có các chương trình khuyến mãi, siêu khuyến mãi, “đại hạ giá” để kích thích mua sắm, tiêu dùng. Các siêu thị áp dụng mức giảm từ 10 - 30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến sau Tết.

Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm tươi sống sử dụng nhiều trong Tết cũng đã và đang được giảm giá, trong đó có các loại thực phẩm chế biến từ thịt heo như giò chả, xúc xích...

Việc mua bán trực tuyến cũng đã nhộn nhịp. Hình thức mua bán này đã bùng nổ trong thời gian qua và dự báo còn mạnh mẽ hơn khi Tết đến. Trên nhiều địa chỉ mạng đã rao bán bánh chưng, bánh tét, bánh mứt kẹo các loại với mức giá được cho là “dễ thở”.

Hàng hóa dồi dào đón sóng tiêu dùng Tết, bên cạnh đó người dân rất quan tâm tới giá cả, vì thực tế cho thấy giá cả vào dịp Tết luôn khó lường ở mức cao. Để kích cầu tiêu dùng, đặc biệt để bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 01 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện sản lượng thịt các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng gần 6,4%. Sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%. Do đó, dù nhu cầu tiêu thụ có tăng nhưng sản lượng thực phẩm thiết yếu vẫn sẽ đảm bảo đủ để cung ứng, tránh tình trạng thiếu hụt khiến giá “đội” lên cao.

Về việc bình ổn giá, các Sở Công thương đều đã vào cuộc. Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi đó, Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các sở, ngành triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng giá... bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

"Từ nay đến Tết, Sở Công thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng” - đại diện Sở Công thương Hà Nội cho hay.

Nếu như người tiêu dùng hồi hộp đón Tết thì các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch đón sóng tiêu dùng. Hy vọng với nhiều biện pháp cụ thể, Tết năm nay hàng hóa sẽ dồi dào, phong phú và da dạng. Cùng đó, giá cả sẽ hợp lý, “phải chăng”, không có tình trạng nâng giá một cách vô lý; không có hàng gian hàng giả kém chất lượng. Muốn thế thì trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường cần phải được đề cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đón sóng tiêu dùng Tết