Với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp tương đối khang trang, đầy đủ; cùng với sự quan tâm, chăm lo của chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho con em đồng bào Khmer Tây Nam Bộ đến trường lớp trong năm học mới 2015 - 2016.
Học sinh người Khmer đến trường
Những năm qua, công tác giáo dục đào tạo cho đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được các cấp, bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách phát triển giáo dục, đào tạo được thực hiện như: Đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy và học, ưu đãi cho giáo viên tại các vùng sâu, vùng xa, miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền sách vở cho con em các hộ Khmer nghèo…
Trong các dân tộc thiểu số ở An Giang thì đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ đông nhất với hơn 91.000 người, sống tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Tính riêng 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tỉnh An Giang đã ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án về xây dựng điểm trường mẫu giáo trong phum, sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2012 – 2020, đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc Khmer. Cùng với các chính sách hỗ trợ về học phí, sách vở, cấp tiền ăn, trao học bổng, học sinh Khmer và Chăm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông còn được xét cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh. Tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, sau khi Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang được thành lập năm 1992. Hiện nay, trường có 15 phòng học, 23 phòng ở bố trí tối đa cho 184 học sinh nội trú. Bên cạnh được ở nội trú miễn phí, học sinh theo học tại trường còn được hỗ trợ nhiều khoản, như: Học bổng, khen thưởng, đồng phục, dụng cụ học tập, tiền tàu xe, khám sức khỏe, mua bảo hiểm y tế… Còn ở thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, Trường trung học cơ sở Cao Bá Quát được huyện công nhận là trường có lớp dân tộc nội trú từ năm 2007, trong số 840 học sinh của trường thì có 398 học sinh dân tộc nội trú.
Tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng mới được 40 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông cho 11 xã có đông người Khmer sinh sống thuộc các huyện Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm. Đội ngũ giáo viên các cấp là người Khmer có gần 140 người, hầu hết được đào tạo chuẩn hóa, trong đó có 14 người được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Hàng năm, con em người dân tộc đến tuổi được huy động vào các trường mầm non, vào lớp 1 đạt tỷ lệ từ 98% trở lên. Một số trường đã tổ chức dạy song ngữ (kinh-Khmer) cho học sinh.
Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã triển khai tại 7 huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, ưu tiên đầu tư thành lập 6 trường phổ thông dân tộc nội trú dạy 2 thứ tiếng Kinh–Khmer, bình quân cứ 4 người Khmer có 1 người đi học, tăng hơn gấp đôi so với chục năm về trước...
Với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp tương đối khang trang, đầy đủ; cùng với sự quan tâm, chăm lo của chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho con em đồng bào Khmer Tây Nam Bộ đến trường lớp trong năm học mới 2015 - 2016. Trong 5 năm trở lại đây, khu vực ĐBSCL có hơn 200.000 học sinh DTTS theo học tại các trường phổ thông; riêng ở bậc học đại học có hơn 2.500 sinh viên là người DTTS.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có gần 30 trường dân tộc nội trú đã tập trung học sinh đến trường. Bước vào năm học mới 2015 - 2016, con em đồng bào Khmer Tây Nam Bộ cũng như các em học sinh các dân tộc khác trên địa bàn đều được thụ hưởng các chính sách giáo dục bình đẳng, không có sự khác biệt nào trong chương trình và nội dung học tập.