Đồng loạt triển khai chính sách để “cổ vũ” doanh nghiệp vượt khó

Việt Thắng 24/10/2023 12:48

Ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để cắt giảm chi phí, giảm hợp lý lãi suất cho vay so với tỷ lệ đầu vào huy động.

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương); Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại tổ, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, một loạt chính sách như cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT) được đồng loạt triển khai thực hiện đã góp phần cổ vũ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước đưa nền kinh tế phục hồi và khởi sắc. Các chính sách này vẫn đang tiếp tục được áp dụng và kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 theo Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số chính sách chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng như: chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn đầu tư phát triển của Chương trình, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bà Yên dẫn chứng: Theo báo cáo tính đến ngày 30/9/2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình ước đạt 50.739 tỷ đồng, tương đương 28,9% kế hoạch vốn được giao, trong khi thời gian còn lại để thưc hiện Chương trình chỉ còn chưa đến 3 tháng. Đối với những chính sách mà việc triển khai chưa hiệu quả, kết quả chưa đạt so với kế hoạch đặt ra, giải ngân chậm trễ, bà Yên cho hay, cần phải có sự phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm từ khâu nắm bắt tình hình; cho đến khâu nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách; tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp ra quyết định và thực thi chính sách; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

“Nếu cần thiết, phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân để đảm bảo nguồn lực tài chính công được sử dụng một cách kịp thời, tiết kiệm, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính công đang rất hạn chế, lại càng eo hẹp hơn do suy giảm kinh tế, suy giảm nguồn thu do đại dịch”-bà Yên nhấn mạnh, đồng thời nêu, việc để nguồn vốn không thể giải ngân và cũng chậm đề xuất, kiến nghị với Quốc hội để chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu khác là vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc.

Về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, bà Yên đánh giá cao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo cùng lúc thực hiện mục tiêu kép: Vừa kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, vừa ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. “Thời gian qua, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống thấp nhất có thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng, cơ hội tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh nhưng trên thực tế khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan như báo cáo chung về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 của Chính phủ đã đánh giá”-bà Yên bày tỏ.

Đối với việc giảm lãi suất cho vay, báo cáo đã đề cập tới các giải pháp đã triển khai thực hiện về chính sách lãi suất, tuy nhiên chưa thống kê kết quả thực hiện như: Số vốn đã cho vay, các doanh nghiệp có dễ tiếp cận thủ tục vay vốn hay không? hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay hay không? kết quả so sánh giữa lãi suất với lạm phát được đánh giá như thế nào?. Do đó bà Yên mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để cắt giảm chi phí, giảm hợp lý lãi suất cho vay so với tỷ lệ đầu vào huy động. Trong tình hình còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa có khả năng sớm tổ chức lại sản xuất do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, thậm chí nhiều doanh nghiệp không thể phục hồi nên việc áp dụng chính sách tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá thêm như ý kiến của Ủy ban Kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng loạt triển khai chính sách để “cổ vũ” doanh nghiệp vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO