Đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hoài Vũ 26/04/2017 07:25

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là 1 trong 3 đột phá mà Đảng đã đặt ra. Tuy nhiên, cần đánh giá thực trạng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay như thế nào để có giải pháp hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ảnh minh họa.

Có một thực tế là mỗi năm có hơn 200.000 sinh viên ra trường nhưng không có việc làm. Trong đó hệ quả là giáo dục chưa gắn với việc làm, và đang thiếu những nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động.

Nhận định về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, nguồn nhân lực phải có quá trình, không phải năm nay quyết tâm, năm sau có nguồn nhân lực tốt mà phải thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục.

Theo ông Thắng, Bộ GD-ĐT đang công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là một bước. Bước thứ hai là song song với cải cách giáo dục phổ thông để có tạo điều kiện có nguồn ban đầu của nguồn nhân lực phải cải tiến cả chuyện đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Gần đây đã giao chức năng quản lý nhà nước về Bộ LĐTBXH thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi Bộ này đẩy mạnh đổi mới việc tổ chức giáo dục nghề nghiệp để tay nghề người lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong thời gian tới.

“Về mặt đào tạo các trường đại học phải đổi mới để kiến thức học đào tạo cho sinh viên không phải hàn lâm mà còn có kiến thức áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời kiến thức phải có kỹ năng để người lao động có thể bước ngay vào thị trường lao động. Tức là cả hệ thống giáo dục - đào tạo phải chuyển và cần quyết tâm lớn và giải pháp đồng bộ nguồn lực cũng như thời gian”- ông Thắng nhìn nhận.

Đề cập đến giải pháp trong thời gian tới, theo ông Thắng, đột phá chính là đổi mới căn bản giáo dục theo Nghị quyết 29, trong đó căn bản đó là chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay đổi về chương trình kéo theo thay đổi về phương thức giảng dạy nội dung truyền đạt. Còn đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cũng phải chuyển đổi, tức là thay đổi phương thức và yêu cầu giảng dạy.

“Tuy nhiên bản thân xã hội phải tạo ra cơ chế để khuyến khích người lao động như đánh giá theo năng lực, năng lực tốt phải được công hiến, cống hiến nhiều phải có đãi ngộ xứng đáng. Đây là việc khó vì hiện nay đội ngũ công chức đang theo thang bảng lương tuần tự lũy tiến nên chưa tạo ra động lực cho đội ngũ lao động, nhất là cán bộ làm ở vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước vì chế độ lương chưa đáp đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Bởi trả lương theo thang bảng lương tuần tự lũy tiến không khuyến khích được người có khả năng cống hiến để được ghi nhận”- ông Thắng nhìn nhận.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn- nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT, với giáo dục đại học, cần tiến hành đổi mới từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh đến quản lý hoạt động đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị để đổi mới phương pháp dạy học, gắn dạy lý thuyết với thực hành, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo và kiểm định chất lượng để có những sản phẩm đào tạo có giá trị và phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

“Cần xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là cơ chế rất quan trọng, phù hợp với việc đào tạo, phát triển nhân lực trong nền kinh tế thị trường đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. Các cơ quan quản lý phát triển nhân lực thông qua cơ chế này để gắn kết nhà trường, người học và doanh nghiệp trong đào tạo, cung cầu nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động. Qua đó đánh giá thực trạng nguồn nhân lực để phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động”- ông Sơn nói.

Trong khi đó, PGS TS Lê Hữu Lập- Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp từ bậc phổ thông đến bậc đại học, bảo đảm cho học sinh, sinh viên có định hướng đúng về ngành nghề đào tạo, có hoài bão, động cơ, thái độ học tập nghiêm túc. Các cơ sở đào tạo cần tổ chức các trung tâm hướng nghiệp.

Đối với bộ máy quản lý nhà nước và doanh nghiệp, cần tập trung tạo động lực để thu hút nhân tài theo hướng thay đổi tiêu chí, chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong việc chọn lựa người tài.

Đồng thời chú trọng đào tạo lại thông qua tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO