Công nghệ

Quảng Ninh: Phát triển nguồn nhân lực số

Ngọc Anh 27/07/2025 11:51

Thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Quảng Ninh luôn chú trọng việc thu hút, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lan tỏa phong trào "Bình dân học vụ số"

Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công toàn tỉnh có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc của bản thân và phấn đấu đạt 100% vào năm 2026.

Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến Bộ KH&CN, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ về kinh nghiệm, giải pháp ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản trị và phát triển bền vững; đồng thời phát động phong trào "Bình dân học vụ số".

Ngay sau khi phát động, tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập nhóm cán bộ, công chức, viên chức nòng cốt để lan tỏa phong trào "Bình dân học vụ số" với tinh thần "Ai biết nhiều dạy người biết ít, ai chưa biết thì học".

img_5256.jpg
Chuyên gia hướng dẫn các kỹ năng ứng dụng AI trong công tác Đoàn - Hội - Đội cho đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ngọc Anh.

Hàng loạt Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp,... trong toàn tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Sau khi tham gia Hội nghị tập huấn ứng dụng AI do Tỉnh Đoàn tổ chức, anh Phạm Kế Nguyên, Chuyên viên Ban Công tác Đoàn và Thanh thiếu nhi, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Đây là chương trình rất thiết thực và bổ ích. Tôi đã được học thêm nhiều kỹ năng thiết thực từ cách “ra lệnh” thông minh để tương tác với các công cụ AI, đến việc ứng dụng AI trong phân tích dữ liệu, lập kế hoạch, soạn thảo văn bản, sáng tạo nội dung truyền thông,...

Không chỉ các sở, ngành mà nhiều đơn vị giáo dục trên địa bàn cũng chú trọng đổi mới và mở rộng ngành đào tạo, kết hợp đầu tư cơ sở vật chất trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Khoa Công nghệ thông tin của Nhà trường liên tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng và chất lượng đầu vào. Từ quy mô 2 ngành đào tạo trình độ đại học với 424 sinh viên (tháng 4/2023), đến nay nhà trường có 3 ngành đào tạo trình độ đại học, 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô 928 sinh viên, học viên. Không chỉ Khoa Công nghệ thông tin, nhà trường đã bổ sung chuẩn đầu ra về chuyển đổi số và ứng dụng AI trong tất cả các học phần của các chương trình đào tạo. Mục tiêu là để mỗi sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Hạ Long, dù ở bất kỳ chuyên ngành nào, cũng đều có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản và khả năng ứng dụng công nghệ vào công việc chuyên môn của mình.

"Cú hích" từ chính sách mới

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết quy định về chính sách thu hút, hỗ trợ nhân lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thuộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2025-2030 với 3 nhóm chính sách gồm: Chính sách thu hút; chính sách hỗ trợ; chính sách đào tạo sau đại học.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Yên Đào Xuân Thắng phổ biến cho cán bộ, Đảng viên về trợ lý ảo https://xatienyen.org/ Ảnh: Trần Hoàn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Yên Đào Xuân Thắng phổ biến cho cán bộ, Đảng viên về trợ lý ảo https://xatienyen.org/. Đây là sản phẩm trợ lý ảo do tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức xã Tiên Yên nghiên cứu, thiết kế, lập trình, hỗ trợ nhanh chóng và chính xác việc cung cấp thông tin, giảm thời gian tìm kiếm tài liệu và truy xuất dữ liệu. Ảnh: Trần Hoàn.

Đối với chính sách thu hút, bao gồm: Hỗ trợ một lần, hỗ trợ hàng tháng và hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Ngoài ra, trong quá trình công tác, người được thu hút còn được tạo điều kiện, ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn; được ưu tiên cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với chính sách hỗ trợ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số (ngoài mức hỗ trợ theo Nghị định 179/2025/NĐ-CP), cụ thể: Công chức, viên chức tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở KH&CN: 3 triệu đồng/tháng; công chức tại cơ quan Đảng, MTTQ, cơ quan hành chính cấp tỉnh: 2 triệu đồng/tháng; công chức tại cơ quan Đảng, MTTQ, UBND cấp xã: 1 triệu đồng/tháng.

Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học áp dụng cho các đối tượng gồm: Công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) ngành/chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (Tin học, Khoa học máy tính, AI, IoT, Big data, Blockchain,...) tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở KH&CN, Trung tâm Công nghệ và Thông tin (thuộc Sở KH&CN), Trung tâm Thông tin thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Mức hỗ trợ (một lần sau khi tốt nghiệp) đối với Tiến sĩ là 400 triệu đồng/người, Thạc sĩ là 200 triệu đồng/người. Nếu đã được hỗ trợ một phần từ Trung ương thì hưởng thêm 25% mức hỗ trợ tương ứng. Đối với nữ hoặc người dân tộc thiểu số được hưởng 1,5 lần mức hỗ trợ trên.

Chia sẻ với PV Báo Đại đoàn kết, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng Nghị quyết sẽ tạo sự đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong thời gian tới.

Theo ông Cường, Nghị quyết này không chỉ góp phần động viên, giữ chân và tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ nhân lực hiện có mà còn mở ra môi trường hấp dẫn, cạnh tranh để mời gọi, thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Phát triển nguồn nhân lực số