Ngày 3/3, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2016 và ký kết giao ước thi đua năm 2017 của cụm thi đua 5 TP trực thuộc Trung ương, GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, khẳng định, năm 2017, các thành phố trực thuộc Trung ương phải có đột phá trong đổi mới quản lý đô thị, muốn đổi mới quản lý đô thị không có con đường nào khác là xây dựng thành phố thông minh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự hội nghị có ông Vương Văn Đỉnh, Phó Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương và lãnh đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống; Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng…
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, TP Hải Phòng và TP Đà Nẵng là 5 đầu tàu trên cả nước. Nêu cao tinh thần của những địa phương đi đầu, ngay từ đầu năm 2016, các thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gắn với thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Cụ thể, Hà Nội với chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị” và “Năm kỷ cương hành chính”; Đà Nẵng tiếp tục với chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và thi đua xây dựng thành phố “4 an”; Hải Phòng với chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước - Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”; Cần Thơ với chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” và TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chủ đề năm “Tăng tốc thực hiện cải cách hành chính” và gắn với 7 chương trình đột phá của Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ X.
5 thành phố trực thuộc Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2017.
Với những mục tiêu cụ thể cùng với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2016, thu ngân sách của 5 thành phố ước đạt 538,331 ngàn tỷ đồng, bằng 48,56% thu ngân sách của cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh tổng thu ngân sách đạt 307,336 ngàn tỷ đồng bằng 57,84% tổng thu ngân sách của Cụm 5 thành phố.
Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị về kế hoạch xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện thành phố đã công bố đề án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 xây dựng Cát Hải thành “Đảo thông minh”. Trên tinh thần này Hải Phòng sẽ sớm triển khai cùng với các thành phố khác, trước mắt, ngay trong năm 2017, Hải Phòng sẽ thực hiện dự án giao thông thông minh.
Hiện nay, dự án đường cao tốc nối Quảng Ninh với Hải Phòng đang được hai bên nỗ lực thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn tất trong năm 2017 và khi được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ Hải Phòng sang Quảng Ninh xuống còn 25 phút.
Năm 2016 là một năm có nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, ngoài những khó khăn chung thì Hải Phòng có những khó khăn riêng nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hải Phòng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu về kinh tế, xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tùng.
Với chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước - Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Hải Phòng đã thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư có 4 phó giám đốc sở đều kiêm nhiệm phó giám đốc trung tâm xúc tiến. Việc thu hút đầu tư được đặc biệt quan tâm, năm 2016 đạt 3 tỷ USD, tăng 15 lần so với năm 2015, cao nhất so với các địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng cho rằng, sự phát triển của Hải Phòng vẫn chưa được phát huy xứng với tiềm năng, đó cũng là thách thức để thành phố cảng đặt ra nhiều quyết tâm để phấn đấu.
Hiện nay sau khi hoàn thành sân bay quốc tế Cát Bi, Hải Phòng đã kết nối đường bay với nhiều địa phương, nhưng chưa kết nối được với Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị Chủ tịch UBND TP Cần Thơ quan tâm tới vấn đề này, sớm có chuyến bay kết nối hai địa phương ngay trong năm 2017.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, và Hải Phòng là 3 địa phương có cảng biển. Ông Nguyễn Văn Tùng cho rằng, trong thời gian qua, dư luận cũng như báo chí đã tốn nhiều giấy mực về việc Hải Phòng thu phí việc sử dụng kết cấu ở khu vực cảng biển đúng hay sai vì Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện việc thu phí tại cảng biển.
Với sứ mệnh của người đi đầu, để thực hiện việc thu phí này, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định, Hải phòng đã căn cứ vào luật phí và lệ phí, nghị định của Chính phủ cũng như thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. Việc này thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, trong đó quy định mức thu cụ thể đối với các hàng hoá qua cảng xuất nhập khẩu một container là 450.000 đồng.
Hiện nay các Bộ Kế hoạch &Đầu tư, Bộ Công Thương… đã xác định việc thu phí là đúng và đã có văn bản báo cáo Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Tùng mong mỏi, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần khẩn trương đồng hành cùng Hải Phòng trong việc triển khai thu phí cảng biển.
Chia sẻ ý kiến với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, việc 5 thành phố trực thuộc Trung ương ngồi lại với nhau để tiến hành ký kết giao ước thi đua, đánh giá xem xét chấm điểm xếp hạng hàng năm là việc quan trọng nhưng quan trọng hơn, từ hội nghị này, các thành phố sẽ có thêm cơ hội để chia sẻ, kết nối, hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển của mỗi địa phương.
Ông Võ Thành Thống.
Với đề nghị của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng trong kết nối đường bay nội địa, ông Võ Thành Thống khẳng định, đây là một sáng kiến mà Cần Thơ sẽ hưởng ứng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên bên cạnh đó Cần Thơ cũng mong muốn Hà Nội, Đà Nẵng quan tâm đến việc tăng cường thêm chuyến bay từ Hà Nội, từ Đà Nẵng đi Cần Thơ và ngược lại.
“Đường bay thì đã có nhiều năm nay nhưng số chuyến bay lại chưa đáp ứng được nhu cầu của Cần Thơ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã làm việc với các hãng bay nhưng do điều kiện thiếu máy bay nên cũng khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu chính quyền ở hai địa phương này quan tâm hơn nữa, tôi tin rằng, việc tăng thêm tuyến bay sẽ được triển khai quyết liệt hơn”, ông Võ Thành Thống nhấn mạnh.
Cũng với tinh thần này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong mỏi, việc đấu nối giao thông đường bộ với TP Hồ Chí Minh sẽ được quan tâm hơn. Và Cần Thơ cũng có nhu cầu kết nối đường biển với Hải PHòng, Đà Nẵng.
Với mục tiêu “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế”, năm 2016, đã có 490 dự án được đầu tư góp phần làm cho Cần Thơ thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng, nông thôn mới. Năm 2017, Cần Thơ xác định tiếp tục thực hiện mục tiêu này. Trong đó có việc xây dựng đô thị thông minh.
Cần Thơ đã xác định 10 trọng tâm để xây dựng đô thị thông minh, trong đó ưu tiên hai trọng tâm để thực hiện trước là chính quyền điện tử và giao thông thông minh. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho việc này chưa có nhiều bởi vậy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ mong mỏi cá nhân GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với tâm huyết của mình sẽ gắn bó đồng hành hơn nữa với Cần Thơ trong quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, từ đó hiện thực hoá Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020 và Đề án xây dựng thành phố thông minh.
Hiện nay cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang xây dựng lộ trình để tiến hành xây dựng thành phố thông minh.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”. UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn nước ngoài được chọn là Tập đoàn IBM.
TP Hà Nội đã triển khai phần mềm trực tuyến tuyển sinh đầu cấp; hoàn thành triển khai và khai trương hệ thống dịch vụ công mức độ 3 lĩnh vực tư pháp tại 168 phường thuộc 12 quận và đang tiếp tục triển khai tại các xã thuộc 18 huyện trên địa bàn. Ngành Công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô, đưa Hà Nội nằm trong nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm.
Việc xây dựng thành phố minh cũng là một trong những quyết tâm của các thành phố trực thuộc Trung ương trong bản ký kết giao ước thi đua trong năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định những thành quả thi đua của 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong năm vừa qua.
Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong năm 2017, phải có đột phá trong đổi mới quản lý đô thị mà trong quản lý hiện đại không có con đường nào khác là quản lý đô thị thông minh.
“Mật độ kinh tế của 5 thành phố này cao nhất cả nước trong khi diện tích chỉ chiếm 5% cả nước nhưng đóng góp kinh tế là 50% đòi hỏi quản lý phải nhanh nhạy và phải có dự báo. Nếu môi trường, giao thông không có quy hoạch, dự báo thì sẽ mất rất nhiều thời gian để sửa lại”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Bởi vậy, sự khởi đầu xây dựng thành phố thông minh trong năm 2016 của 5 thành phố là điều rất đang hoan nghênh, Người đứng đầu Mặt trận khẳng định, trong tháng 8 năm nay, Mặt trận sẽ phối hợp với Bộ Thông tin & truyền thông tổ chức một hội thảo về đô thị thông minh để các thành phố cùng bàn bạc cụ thể về mục tiêu này.
Khẳng định các thành phố phát triển phải có đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong năm 2017, các thành phố cần nâng cao sức hút đầu tư.
Năm qua, cả nước có số tổng đầu tư trên tổng sản phẩm nội địa khoảng 34 đến 35%. Trong đó, Hà Nội có tỉ trọng vốn đầu tư trên GDP gấp đôi TP Hồ Chí Minh. Căn cứ trên những con số này, 5 thành phố phải kiểm soát những con số để đặt mục tiêu cho việc thu hút đầu tư của mình, quyết liệt tăng tổng đầu tư toàn xã hội.
Việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ cũng được các thành phố đẩy mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hiện các thành phố mới chỉ quan tâm đến việc phát triển sáng tạo, lao động của các cá nhân trong khi xu hướng phải là từ sáng tạo của cá nhân cho đến sáng tạo tập thể và sáng tạo của toàn ngành.
5 thành phố trực thuộc Trung ương hiện có 628 xã, khẳng định tiềm lực nông nghiệp của các thành phố là đáng kể, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc giúp nông dân thoát nghèo phải có hợp tác, triển khai ứng dụng nông nghiệp cao phải qua mô hình hợp tác xã.
“Nông dân làm ăn cá thể về lâu dài không thể cạnh tranh với kinh tế thị trường”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.
Khẳng định vai trò thi đua là vì mình và vì đất nước, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các thành phố đầu tàu của đất nước cần tiếp tục đẩy mạnh thi đua để học tập những điều hay điều tốt.
Trong đó, việc quyết tâm xây dựng đô thị thông minh là phải lấy sự hài lòng của người dân, hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo, mục tiêu này đặt ra yêu cầu chính quyền các thành phố cần phải quan tâm chiến lược phát triển như xây dựng dữ liệu tổng hợp của mỗi thành phố để người dân có thể truy cập được, từ đó phát huy sáng kiến của nhân dân.
Thông tin về Hội nghị trực tuyến đánh giá sự hài lòng của người dân dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 14/3 tới đây, người đứng đầu Mặt trận khẳng định, 5 thành phố phải là 5 thành phố đi đầu trong việc đánh giá sự hài lòng của người dân.
Quan tâm đến sự hài lòng của người dân cũng là quan tâm những vấn đề nhân dân bức xúc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2016, các thành phố đã thực hiện nhưng 2017 cần phải làm bài bản hơn đơn cử có ít nhất 50% người dân và 100 doanh nghiệp đăng ký sản xuất an toàn.
Trong thời gian qua, việc khai thác cát trái phép đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh môi trường và cuộc sống của người dân dọc hai bên bờ sông, UBND TP Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ việc này, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, các thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp nối tinh thần này của Hà Nội để quyết liệt xử lý hơn nữa với nạn cát tặc trên các dòng sông.
Khẳng định sự sáng tạo trong đời sống, người đứng đầu Mặt trận nêu rõ, nếu chúng ta đầu tư hàng trăm tỷ cho nghiên cứu khoa học mà đem về lợi nhuận chỉ vài chục tỷ là không ổn. Bởi vậy, các thành phố cần quan tâm hơn nhiều đến vấn đề này. Năm 2017 phải là năm đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp.
Cũng trong năm 2017, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 5 thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục làm tốt chuỗi hoạt động của thi đua: phát hiện điển hình, học tập điển hình, làm theo điển hình và tuyên dương điển hình để thông qua việc này chúng ta giải đáp được 3 câu hỏi: Thứ nhất là có làm được hay không? Từ một người làm, một địa phương làm sẽ có nhiều người làm, nhiều địa phương làm? Và đã làm thì phải quyết tâm dứt điểm.
Để giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra từ hội nghị này, người đứng đầu Mặt trận cũng nhấn mạnh, trong năm 2017, 5 thành phố cần quan tâm tổ chức 3 cuộc toạ đàm: Thứ nhất là toạ đàm xây dựng thành phố thông mình. Thứ hai là toạ đàm kết nối giao thông, xúc tiến đầu tư, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển của 5 thành phố. Thứ ba là trao đổi chính sách phát triển đô thị để từ đó có những chia sẻ trong kinh nghiệm của 5 thành phố với mục tiêu: vì mình và vì sự phát triển của cả nước.
Hội nghị đã kiến nghị đề nghị tặng 2 Cờ Chính phủ và 3 Bằng khen Chính phủ. Cụm thi đua cũng thống nhất đề cử TP Đà Nẵng làm Cụm trưởng Cụm Thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và Cụm phó là thành phố Hải Phòng. |
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa ông Nguyễn Thành Phong, Trưởng cụm thi đua năm 2016.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu bên lề hội nghị.
Ông Huỳnh Công Hùng.
Ông Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Thành Phong.
Ông Đặng Việt Dũng.