Thời gian qua, khi những bê bối xung quanh nhiều dự án BOT (đầu tư – xây dựng – chuyển giao) bị các cơ quan chức năng phanh phui, đã làm nóng dư luận; nhưng cũng có một loại hình dự án khác, là BT (xây dựng – chuyển giao) được nhiều chuyên gia kinh tế coi như một “tảng băng chìm” về những tù mù, sai phạm…
Từ số báo này, Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài về vấn đề này.
Cần có cơ chế giám sát chặt với các dự án BT.
Đổi đất lấy dự án
Dù được điều chỉnh bởi một khung pháp lý chung, đó là các nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng các dự án BT vì chưa mấy đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của người dân, nên chưa gây ra nhiều bức xúc, hệ lụy.
Nếu như các dự án BOT có giai đoạn nhà đầu tư trực tiếp kinh doanh dự án dưới hình thức thu phí theo thời gian ghi trong hợp đồng đã ký với Nhà nước nhằm thu hồi vốn đầu tư, dễ gây xung đột với bên trả phí (người dân, DN) thì đối với các dự án BT, hoàn toàn không có sự hiện hữu của cái gọi là “trả phí”.
Hợp đồng BT thể hiện dưới hình thức nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư cơ sở hạ tầng thay cho Nhà nước, đổi lại, Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư bằng một “tài sản” khác, thông thường bằng quỹ đất do hai bên thống nhất, lựa chọn và định giá.
Trong cả quá trình thực hiện “hợp đồng” giữa nhà đầu tư và Nhà nước, người dân không tham gia trực tiếp vào công đoạn nào, ngoại trừ những dự án đất liên quan đến người dân, phải giải phóng mặt bằng.
Có lẽ, chính vì không phải trực tiếp trả phí như BOT, nên các dự án BT hầu như người dân không biết, không bàn luận. Và cũng chính bởi dân không bàn, không biết, không kiểm tra nên các dự án BT, dù có nhiều vấn đề không minh bạch ngang BOT, song lại không bị dư luận “để ý” và phản ứng mạnh mẽ như BOT.
Cũng cần phải khẳng định, những dự án BT đã góp phần mang lại những lợi ích ít nhiều cho các địa phương. Với hình thức chủ đầu tư bỏ vốn và xây dựng, nhiều công trình cơ sở hạ tầng như cầu, đường… đã mọc lên tạo nên những diện mạo mới cho nhiều địa phương trên cả nước.
Và tất nhiên, khi người dân thấy những công trình cầu đường mới to đẹp hơn, lại không phải trả phí khi sử dụng nó, lại không có lý gì họ phản ứng hay tỏ ra bức xúc.
Điểm mặt những dự án ngàn tỷ
Song phía sau những dự án đó, là cả một sự đánh đối giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Còn nhớ năm năm 2015, tỉnh Nghệ An xúc tiến triển khai dự án khu hành chính tập trung các sở, ngành quy mô 2 tòa tháp cao 27 tầng, chi phí dự kiến hơn 2.100 tỉ đồng. Dự án này được triển khai theo hình thức BT, nghĩa là DN bỏ tiền ra xây dựng sau đó sẽ chuyển giao cho tỉnh.
Thời điểm đó, trong dư luận, nhiều người cho rằng, không có lý gì không để cho DN xây dựng khi đây là một “miếng bánh ngon”, bởi khi thực hiện, tỉnh Nghệ An không phải bỏ tiền ngân sách, mà lại có khu hành chính hiện đại trị giá tới 2.100 tỷ để hoạt động.
Song, trên thực tế, không có chuyện DN bỏ ra một số tiền lớn như vậy mà họ không được gì. Đương nhiên, khi đã làm ăn, nhà đầu tư phải thấy lợi nhuận họ mới làm, và ở đây, thậm chí lợi nhuận còn rất cao.
Vì đổi lại số vốn DN bỏ ra để xây dựng, tỉnh Nghệ An sẽ phải hoàn trả lại thông qua các gói ưu đãi khác, thường là về giá trị sử dụng đất đai.
Và để hoàn trả lại số tiền hơn 2.100 tỉ đồng cho nhà đầu tư, địa phương này sẽ phải chi ra một số diện tích đất lớn có giá trị, và đương nhiên, số tài nguyên đất đó cũng chẳng khác gì là tiền ngân sách, tiền túi của dân.
Lùi về trước năm 2015 một thời gian không xa, đó là những năm 2011, 2012; có thể nói “phong trào” xây dựng các dự án dạng BT “nở rộ” tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội.
Có thể kể ra đây những dự án BT lớn của Thủ đô như Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An cùng nhiều dự án khác.
Tuy nhiên, sau một thời gian rộ lên, những dự án BT lại có vẻ lắng xuống trong khoảng 2 năm. Lý do được cho là bởi, đó là thời điểm thị trường bất động sản bị đóng băng, trầm lắng.
Gần đây, khi thị trường bất động sản có xu hướng phục hồi trở lại, “cơn sốt” BT lại có dấu hiệu tái phát, nhiều địa phương ồ ạt đề xuất Chính phủ xây dựng các trung tâm hành chính trị giá hàng ngàn tỷ đồng như Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng…
Điều này cho thấy, BT là hình thức luôn đi liền với bất động sản, gắn với việc đổi đất để nhà đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, cao ốc, trung tâm thương mại...
Và cần phải khẳng định thêm rằng, cũng giống như BOT, BT không phải là “món quà” mà các chủ đầu tư “biếu không” các địa phương, ngược lại, cái giá mà các địa phương phải trả cho các chủ đầu tư là rất lớn.
(Còn nữa...)
TP Hồ Chí Minh: Giám sát chặt các dự án BOT, BT Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết, sẽ cứng rắn hơn trong giám sát các dự án BOT, BT do nhiều dự án thuộc lĩnh vực này đã và đang triển khai và không thể dừng lại các dự án vì ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng hết, hơn nữa sẽ gây lãng phí. Xu hướng xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng giao thông vận tải vẫn phải được ưu tiên, tuy nhiên UBND TP sẽ giám sát chặt chẽ để hạn chế các lỏng lẻo, tiêu cực. Trong đó, thành phố xác định 3 khâu mấu chốt trong quá trình thu hút đầu tư BOT, BT, gồm khâu đề xuất dự án; quá trình giám sát của cơ quan Nhà nước và cuối cùng là mức phí và thời gian thu phí để hoàn vốn. Chánh Văn phòng UBND TP HCM khẳng định trong 3 khâu này, Nhà nước cần nghiên cứu đầy đủ các dự án BOT, BT rồi mới đem đấu thầu để chọn được nhà đầu tư có chất lượng. Hồng Phúc |