Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại khi dự án cần thêm hơn 18 ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cũng như nỗi lo cho người dân sau khi đến nơi tái định cư sẽ sinh sống sản xuất thế nào, cùng đó là bài toán việc làm cho công nhân cao su.
Mô hình nhà ga phi trường quốc tế Long Thành lấy ý tưởng cách điệu từ hình ảnh lá cọ, dừa nước. (Ảnh: TL).
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585,14 ha, trong đó diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng sân bay Long Thành là 5.000 ha. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng ước tính theo thời giá tháng 7-2017. Dự kiến nguồn vốn và cơ cấu vốn là 21.889 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư) để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm phục vụ trực tiếp dự án phân bổ cho ngân sách trung ương. “Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội bố trí tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, Dự án cần được tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Cũng theo ông Thể, trong điều kiện nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ngoài những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt thì Quốc hội cần có những cơ chế đặc thù để triển khai Dự án như Chính phủ xin được khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất đã được giao chưa xây dựng hạ tầng và không phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không bị thu hồi đất khi chưa đưa đất vào sử dụng theo tiến độ thực hiện Dự án. Chính phủ cũng đề nghị trước mắt ngân sách cần ứng đủ vốn để thực hiện Dự án, nguồn thu này sẽ được cân đối hoàn trả ngân sách theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23.049 tỷ đồng nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng. “Để bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 94 là thu hồi đất một lần, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân, Ủy ban Kinh tế tán thành đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung vốn cho Dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện; toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất dự án sẽ được hoàn trả vào ngân sách trung ương. Ngoài ra, ngân sách sau này có thể được bổ sung từ thu lại tiền sử dụng đất đối với mặt bằng sạch để khai thác, sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt và khi sử dụng quỹ đất 21.000 ha quy hoạch vùng phụ cận sân bay, điều tiết tỷ lệ phân chia giữa trung ương với địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất”- ông Thanh bày tỏ.
Lấy nguồn ở đâu?
Băn khoăn về phải có 18 ngàn tỷ đồng, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt vấn đề: Bây giờ chốt 18 ngàn tỷ đồng nhưng mấy năm sau có phải 18 ngàn tỷ nữa không? Hay còn đội lên? Vậy lấy nguồn ở đâu?
Theo ông Thân, cần thống nhất giá bồi thường là bao nhiêu? và ấn định đền bù luôn cho dân. Sau thời gian đền bù chưa trả thì phải tính trả lãi theo lãi suất ngân hàng. Đồng thời phải trả trực tiếp cho người dân có đất chứ không phải trả cho nhà đầu tư. Trả luôn một lần với chung mức giá để tránh đầu cơ, đỡ tốn kém cho nhà nước tránh để “trôi nổi” trong khi ngân sách đang không có tiền.
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) cũng cho rằng, nên bồi thường một lần chứ nếu chia làm nhiều lần dễ dẫn đến khiếu kiện lâu dài, vượt cấp. Trong bố trí quỹ nhà đất tái định cư, theo ông Chu, chỉ nghĩ đến đất thì không thể đủ được, mà cần tính toán xây dựng nhiều loại nhà phù hợp, trong đó có cả chung cư cao tầng cho một số đối tượng trẻ để tiết kiệm đất. Đặc biệt lưu ý đến đào tạo lao động chuyển đổi nghề nghiệp, đây là vấn đề rất nhiều băn khoăn vì đây là vấn đề lớn mà chưa được làm rõ.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, cơ chế chính sách bồi thường không rõ ràng, chưa tách biệt hộ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hộ nông nghiệp phải có đất cho họ sản xuất chứ không chỉ bố trí nhà ở. “Chưa kể dự án giải tỏa mấy ngàn ha cao su, những công nhân làm việc trong công ty này đều trên 40 tuổi, vậy khi lấy đất chúng ta sẽ giải quyết công ăn việc làm của họ thế nào vì ở độ tuổi này rất khó đi xin việc? Nếu không khéo sẽ trở thành hệ lụy”- ông Hàm lo ngại.
Theo Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, người từ TP Hồ Chí Minh đổ xô về Long Thành để mua đất. “Dân ở Long Thành không bao giờ ở được đất này đâu, dân Long Thành sẽ lên Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk ở, họ sẽ lên đây phát triển kinh tế. Còn đất này họ bán, cán bộ ta nhận hết rồi”- Thứ trưởng Lê Chiêm nói đồng thời đề nghị, Quốc hội phải cân nhắc lại và nghiên cứu kỹ, giao Chính phủ đứng ra, phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Trung ương. Nếu không sau này Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ tán thành 99%, Chính phủ làm theo hồ sơ trình ra thì rồi Quốc hội chịu khuyết điểm. “Tôi nghiên cứu hồ sơ trước đây và hồ sơ bây giờ thì giá đã chênh nhau gần 50% rồi. Mà ai chịu cái này? Nhà nước mình chịu chứ ai chịu, rồi nhân dân gánh chứ ai gánh”- Thứ trưởng Lê Chiêm nói.
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh nêu thực tế từ tỉnh Hà Giang, khi làm dự án, đi vào đo đếm cụ thể, danh sách cụ thể, hộ trực tiếp sản xuất lại là hộ khác, ông nói: “Tôi sợ ở Long Thành, cán bộ các cấp mua nhà ở đấy, còn người trực tiếp sản xuất ở đấy thì không phải là chủ đất”.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu về dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: Quang Vinh). Muốn có vốn cho Long Thành phải tiết kiệm chi thường xuyên Đó là ý kiến của ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đề xuất giải pháp bù đắp phần vốn còn thiếu 15/18 ngàn tỷ đồng cho Dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành, ông Chính nói: “Dự án cần vốn lớn, trong khi các nguồn việc nào đã vào việc đấy. Vậy thì chúng ta cần phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu. Hồi năm 2008, khủng hoảng kinh tế, để vượt qua khó khăn, chúng ta đã tiết kiệm chi thường xuyên được tới 10%. Trong 5 năm gần đây ta đang chi thường xuyên rất lớn, cao đến 2,2 lần so với 5 năm trước. Nếu quyết tâm tiết kiệm khoản này, chỉ cần 1% thôi là ta có 10.000 tỷ đồng. Quyết tâm làm trong 2 năm là có thể đủ vốn cho Dự án. Các nước khác cũng vậy, khi muốn làm việc lớn, họ đều phải tiết kiệm”. Phân tích thêm vấn đề này, ông Phạm Minh Chính nhận định, vẫn còn dư địa để tiết kiệm, bởi lẽ có một tỷ lệ rất lớn trong khoản chi thường xuyên là để trả lương. Tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả của bộ máy, theo đại biểu, chính là một mũi tên trúng hai mục đích. Ông Chính cũng lưu ý, 5.000 hộ dân phải di dời, tái định cư không chỉ cần chỗ ở. “Trường học, y tế và các sinh hoạt khác thế nào? Phải có quy hoạch tổng thể phù hợp luật pháp và điều kiện kinh tế-xã hội của khu vực”. Ông Chính đồng tình với quan điểm cho rằng quỹ nhà đất tái định cư cũng phải đa dạng loại hình để phù hợp với nhu cầu của người dân, tránh để xảy ra nghịch lý vừa thiếu lại vừa lãng phí. |