Giao thông

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đang triển khai ra sao?

Lê Khánh 27/12/2023 13:11

Hiện nay, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân chia thành 32 mũi thi công dự án.

Huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân

Đối với dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các nhà thầu thi công đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân, lái máy; 55 máy đào; 39 máy ủi; 51 lu rung... Trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 32 mũi thi công, bao gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu.

"Tuy nhiên mặt bằng vẫn còn xôi đỗ, không liên tục, do vướng đất thổ cư chưa giải phóng mặt bằng. Mặt khác, tuyến đường song hành chủ yếu đi qua vùng đất yếu, với thời gian xử lý nền và đắp gia tải khoảng 2 tháng và chờ lún khoảng 6 - 8 tháng nhưng đúng vào thời điểm mưa nhiều không thể thi công được do ngập úng", ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội cho hay.

Theo đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội đề nghị các quận, huyện hoàn thành công tác GPMB xong trước ngày 30/4/2024 để các nhà thầu tổ chức xử lý nền đất yếu, đắp gia tải xong trước mùa mưa năm 2024. Nếu không hoàn thành mốc tiến độ bàn giao mặt bằng nêu trên sẽ khó hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2025.

W_image.daidoanket.vn-images-upload-lekhanh-11012023-_snapseed-5.jpg
Các đơn vị thi công đang tiến hành xử lý nền đất yếu dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đối với hạng mục thi công đường, đơn vị thi công đã bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 385.105/712.468 m3, đắp cát khoảng 400.544/2.873.780 m3, đắp đất bao K95 khoảng 50.654/402.262 m3, thi công cọc CDM khoảng 4.741/525.982 m3, giếng cát khoảng 935/4.082 m3.

Đối với hạng mục cầu đã hoàn thành 200/532 cọc khoan nhồi và đang thi công đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Khê Tang, Đan Hoài, Hòa Chư, Văn Hội...

Đới với dự án thành phần 3 (Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư), Ban QLDA đã trình UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn thuộc tiểu dự án đầu tư công (6 gói thầu tư vấn) và nhà thầu tư vấn lựa chọn nhà đầu tư Dự án (2 gói thầu tư vấn).

Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu, dự kiến đối với dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3 trên địa phận thành phố Hà Nội đất đắp K98, đắp bao: 1,872 triệu m3 (DATP2.1: 1,381 triệu m3, DATP3: 0,491 triệu m3); cát đắp nền K95, cát xử lý đất yếu: 5,841 triệu m3 (DATP2.1: 2,873 triệu m3 DATP3: 2,968 triệu m3).

Về nguồn thương mại, hiện nay các nhà thầu thi công đã tập kết vật liệu về công trường và thi công được hơn 340.000m3 cát đắp, 50.000m3 đất đắp bao và vẫn đang tiếp tục vận chuyển tập kết vật liệu về công trường đáp ứng thi công theo đúng tiến độ dự án.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác GPMB trong năm 2024

Trong năm 2023, các quận, huyện xác định tập trung công tác GPMB đất nông nghiệp và di chuyển mộ, đến nay đã cơ bản hoàn thành còn lại khó khăn lớn nhất hiện nay là GPMB đối với đất ở và di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật cần được các địa phương thúc đẩy triển khai thực hiện đầu năm 2024.

Đối với đất ở, đất nông nghiệp của các địa phương đến nay đã phê duyệt và thu hồi đất được 763,86/791,21 ha, đạt 96,54%, còn lại 27,35 ha (11,48 ha đất ở; 15,87 ha đất nông nghiệp), trong đó huyện Sóc Sơn và huyện Thường Tín đã hoàn thành công tác phê duyệt và thu hồi đất. Các địa phương còn lại cần đẩy nhanh thủ tục xây dựng các khu tái định cư, xác định giá đất cụ thể đầu đi, đầu đến, phê duyệt phương án tạm cư để thực hiện công tác GPMB để đáp ứng tiến độ thi công xây dựng.

W_image.daidoanket.vn-images-upload-lekhanh-11012023-_snapseed-180.jpg
Việc thi công cũng gặp nhiều khó khăn do mặt bằng còn xôi đỗ, vướng đất thổ cư chưa GPMB.

Theo ông Cường, đến nay còn 1.364 ngôi mộ chưa được di chuyển, trong đó bao gồm 37 ngôi mộ chưa cải táng (huyện Đan Phượng 329 ngôi mộ, bao gồm 30 ngôi mộ chưa cải táng; huyện Hoài Đức 880 ngôi mộ, bao gồm 5 ngôi mộ chưa cải táng; quận Hà Đông 153 ngôi và huyện Thường Tín 2 ngôi mộ chưa cải táng).

"Đề nghị các địa phương hoàn thành di chuyển mộ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đối với các mộ tươi (mộ chưa cải táng) cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân chấp hành chủ trương sớm di chuyển mộ đảm bảo tiến độ, trường hợp các mộ tươi không nằm trong phạm đường găng của dự án thành phần 2.1 đề nghị hoàn thành di chuyển trước ngày 31/12/2024", ông Cường đề nghị.

Đối với công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm nổi, dự kiến sẽ hoàn thành di chuyển các tuyến điện trung, hạ thế, hệ thống thông tin, cấp nước, xong trước 30/4/2024. Hoàn thành di chuyển các tuyến điện cao thế từ 110KV đến 500KV trong năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đang triển khai ra sao?