Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô: Rốt ráo giải phóng mặt bằng

Lê Khánh 03/01/2023 10:40

Sau thời gian dài nỗ lực, dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã hoàn thành công tác phê duyệt, cắm mốc chỉ giới đường đỏ toàn bộ 58,2 km trên địa bàn TP. Cùng đó, các quận, huyện đã lập xong phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư… phấn đấu hoàn thành 70% khối lượng GPMB vào tháng 6/2023.

Toàn bộ 58,2 km mốc chỉ giới ở Hà Nội đã cắm xong

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô, đã hoàn thành công tác phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn bộ 58,2 km/58,2 km trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng đó, Hà Nội cũng đã hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh xong chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương theo ý kiến của Bộ NN&PTNN và hoàn thành công tác xác nhận chỉ giới được duyệt và điều chỉnh để tổ chức công tác

Đối với nội dung điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tại nút giao Quốc lộ 6-Vành đai 4 (bổ sung thiết kế nút hoa thị hoàn chỉnh): Hiện nay, Ban QLDA, Đơn vị tư vấn và Viện Quy hoạch xây dựng đã hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tại nút giao Quốc lộ 6-Vành đai 4 theo yêu cầu của Sở Quy hoạch kiến trúc.

Phối cảnh đường Vành đai 4.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.1, gửi tham vấn cộng đồng và liên hệ làm việc với 40/40 xã liên quan. Ban QLDA đề nghị tổ chức họp tham vấn cấp xã, phường tập trung tại trụ sở quận, huyện để rút ngắn thời gian tham vấn.

Hiện tại đã hoàn thành tham vấn của huyện Sóc Sơn (2 xã), quận Hà Đông (3 phường), huyện Mê Linh (5 xã). Dự kiến tham vấn các huyện còn lại: Đan Phượng (4 xã), Hoài Đức (12 xã), Thanh Oai (06 xã), Thường Tín (8 xã) xong trước ngày 8/1/2023. Dự kiến hoàn thiện báo cáo và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt trước ngày 11/1/2023.

Công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Ban QLDA cùng đơn vị Tư vấn đã tổng hợp, hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1 và đã trình Sở GTVT cùng các đơn vị, địa phương có liên quan. Đến nay đã có 11/15 Sở, ngành, quận, huyện có ý kiến thẩm định, còn lại 4 đơn vị chưa có ý kiến là: Sở Kế hoạch & Đầu Tư (KHĐT); Sở Xây dựng; huyện Đan Phượng, huyện Thanh Oai.

Mặt khác, Ban QLDA và đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thành phần 2.1. Đến nay đã có văn bản kết quả tham vấn trên cổng thông tin Bộ TN&MT. Đã gửi tham vấn 7 quận, huyện trên địa bàn TP và 6 quận, huyện đã có văn bản trả lời, còn lại huyện Đan Phượng.

Ban QLDA cũng đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.1, 14/15 Sở, ngành, quận, huyện liên quan đã có ý kiến thẩm định, còn lại huyện Thường Tín chưa có ý kiến bằng văn bản và đã có kế hoạch hoàn thành sớm.

Song song quá trình thẩm định dự án, Ban QLDA cũng đã lấy ý kiến thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, thống nhất phương án giao cắt của tuyến đường song hành đường Vành đai 4 trên địa bàn thành phố Hà Nội với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại nút giao Quốc lộ 1A cũ.

Để đảm bảo đồng bộ dự án trên các địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, UBND Thành phố cũng đã có văn bản gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài nguyên và Môi trường và gửi UBND 2 tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh về việc lấy ý kiến thẩm định dự án thành phần 2.1.

Hiện tại, Viện Quy hoạch xây dựng đã giới thiệu, cung cấp thông số hạ tầng kỹ thuật cho dự án được 3/5 đoạn, cụ thể đoạn từ QL18 đến cầu Hồng Hà; đoạn từ QL1 đến cầu Mễ Sở; 1 đoạn từ QL6 đến QL1.

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 cũng đã được Sở GTVT Hà Nội thẩm định, đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT thành lập hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 1 này.

Triển khai công tác giải phóng mặt bằng

Theo số liệu cập nhật giải phóng mặt bằng (GPMB) từ các quận/huyện, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ là 794,74ha/58,2 km. Số hộ tái định cư 1.006 hộ. Số mộ cần di dời khoảng 13.786 ngôi, dự kiến bố trí 13 khu tái định cư/368.584 m2; Di chuyển 43 cột điện cao thế (110kV, 220kV, 500kV).

Hiện nay các quận/huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư và đã thành lập Hội đồng GPMB, tái định cư và Tổ công tác, đang kiểm đếm và dự thảo phương án và xây dựng kế hoạch triển khai phấn đấu hoàn thành GPMB 70% vào tháng 6/2023, hoàn thành công tác GPMB trong năm 2023.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, hiện đã di chuyển 3.694 ngôi/15.583 ngôi. Trong đó huyện Sóc Sơn di chuyển 875/892 ngôi; huyện Mê Linh di chuyển 370/370 ngôi; huyện Đan Phượng di chuyển 200/1.678 ngôi; huyện Hoài Đức di chuyển 1.171/4.200 ngôi; quận Hà Đông di chuyển 198/2.255 ngôi; huyện Thanh Oai di chuyển 360/496 ngôi và huyện Thường Tín di chuyển 720/3,895 ngôi.

Ngoài ra, đã phê duyệt phương án bồi thường đến nay là 104,14 ha/846,739 ha, trong đó: huyện Sóc Sơn phê duyệt 25,54/49,46 ha; huyện Mê Linh phê duyệt được 30/159,5 ha; huyện Đan Phượng phê duyệt được 13/179 ha; huyện Hoài Đức phê duyệt 16,6/253,49 ha; huyện Thanh Oai phê duyệt 4,0/90,24 ha; huyện Thường Tín phê duyệt 15/147,84 ha.

Giải ngân công tác GPMB với số tiền phê duyệt phương án là 1.769,2 tỷ đồng, trong đó: huyện Sóc Sơn phê duyệt 100 tỷ đồng; huyện Mê Linh phê duyệt 280 tỷ đồng; huyện Đan Phượng phê duyệt 200 tỷ đồng; huyện Hoài Đức phê duyệt 600 tỷ đồng; quận Hà Đông phê duyệt 250 tỷ đồng; huyện Thanh Oai phê duyệt 300 tỷ đồng; huyện Thường Tín phê duyệt 300 tỷ đồng.

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, từ nay đến Tết nguyên đán 2023, các đơn vị, địa phương sẽ nỗ lực Hoàn thành phê duyệt điều chỉnh chỉ giới đường đỏ nút giao QL6 - Vành đai 4; trình Bộ TN&MT báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thành phần 1.1; thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần: 1.1, 2.1, 3.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô: Rốt ráo giải phóng mặt bằng