Với nhiều ưu điểm nổi bật, xe buýt nhanh được cho là có thể phát triển, cải thiện tình trạng giao thông đang khá phức tạp ở TP HCM. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra lo ngại bởi số tiền đầu tư cho dự án này quá lớn, lên đến 137,5 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng)...
Mô hình xe buýt nhanh tuyến số 1.
Ảnh: Ứng Hòa
Ngày 12/8, trong buổi họp báo giới thiệu mô hình xe buýt nhanh phát triển giao thông xanh, một loại hình vận tải công cộng thân thiện với môi trường, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc ban quản lý dự án Xây dựng công trình đô thị TP HCM cho biết, ưu điểm của xe buýt nhanh là vận tốc lớn hơn xe buýt thông thường, có làn đường riêng, phong cách nhân viên phục vụ tốt, có máy lạnh, internet miễn phí… phục vụ chu đáo khách hàng. Hơn nữa, hầu hết các đô thị lớn, phát triển trên thế giới đều có mô hình xe buýt nhanh nên việc TP HCM chấp nhận đầu tư để phát triển dịch vụ này được cho là một hướng đi đúng đắn, cần thiết cho tương lai.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cũng cho biết, việc thiết kế, đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh đầu tiên đã được lãnh đạo sở ưu tiên nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải công cộng của người dân. Đây được cho là yếu tố quan trọng giúp làm giảm ùn tắc, thay đổi cách nghĩ thông thường hiện nay của người dân về việc đi xe buýt.
Theo lộ trình, hệ thống xe buýt nhanh sẽ được bắt đầu xây lắp vào khoảng tháng 1/2017 với các trạm chờ, nhà điều hành và phối hợp với các cơ quan khác để phân luồng tuyến đường Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ sao cho hợp lý để phục vụ riêng các xe buýt của tuyến này. Đây là công việc khá khó khăn vì đoạn đường nói trên thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc vào giờ cao điểm nên nếu phải “chia nhỏ” một làn đường riêng biệt dành cho xe buýt nhanh là một phương án khá khó khăn. Dự kiến, khoảng cuối năm 2018, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành phục vụ rộng rãi người dân.
Với nhiều ưu điểm nổi bật, xe buýt nhanh được cho là có thể phát triển, cải thiện tình trạng giao thông đang khá phức tạp ở thành phố. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra lo ngại bởi số tiền đầu tư cho dự án này quá lớn, lên đến 137,5 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng), trong đó vốn vay của ngân hàng thế giới là 124 triệu USD, còn lại là ngân sách thành phố.
Cụ thể, do dự án giao thông xe buýt nhanh sử dụng tuyến đường sẵn có, chỉ phải xây mới 28 trạm nhà chờ, 11 cầu đi bộ, 1 nhà ga, 1 bãi hậu cần nhưng chi phí lại rất tốn kém trong khi tính khả thi, việc thu hút hành khách vẫn chưa được tính toán đầy đủ. Người dân nếu muốn đi xe buýt nhanh vẫn phải chạy xe máy tới nhà chờ và khi xuống xe, họ sẽ phải tiếp tục tìm cách di chuyển tới địa điểm làm việc cũng được cho là một thách thức lớn để xe buýt nhanh đi vào đời sống.
Ngoài ra, về phương án phát triển thêm các tuyến xe buýt nhanh tiếp theo số 2, số 3… nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, quỹ đường giao thông ở thành phố hiện nay khá hạn hẹp, nếu tuyến xe buýt nhanh nào hình thành cũng phải có một làn đường để chạy ưu tiên (nhằm nâng cao vận tốc so với xe buýt thường) thì rất khó khả thi. Đây cũng là lo ngại lớn nhất về tính bền vững của dự án này.