Văn hóa

Du lịch đột phá

Phạm Sỹ 09/04/2024 07:56

Sự sôi động thời gian qua đã cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch. Tuy nhiên, để thực sự tạo đột phá, vươn lên mạnh mẽ thì du lịch nước ta cần phải thay đổi nhiều hơn nữa.

anhbaitren(4).jpg
Du khách quốc tế đến Hà Nội. Ảnh: P. Sỹ.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 108 triệu lượt khách nội địa. Tiếp đà tăng trưởng, năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Đây thực sự là một con số đầy thách thức khi còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Chưa thể níu chân du khách

Việt Nam luôn được đánh giá là đất nước có nền văn hóa đa dạng, thiên đường ẩm thực, phong cảnh đẹp, đi lại dễ dàng. Đây chính là những điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách. Song nhiều khách du lịch đến Việt Nam chỉ 1 lần rồi không quay trở lại. Những con số mà Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương công bố tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại nước ta chỉ đạt khoảng 10-40%. Đây thực sự là con số đáng suy nghĩ.

Bên cạnh đó, có một thực trạng, các công ty lữ hành, công ty du lịch đói khách trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang nhiều lên. Đơn cử như thi trường Hàn Quốc, lượng khách thị trường này đến Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng các công ty lữ hành Việt Nam rất khó tiếp cận vì thế không thể cung cấp dịch vụ trọn gói, dẫn tới lợi nhuận chủ yếu theo các đơn vị nước ngoài chảy về nước họ. Chính vì vậy khiến cho du lịch Việt Nam không được hưởng lợi.

Khách Nhật Bản đến Việt Nam không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách Nhật như các thị trường Thái Lan, Úc, châu Âu, Hàn Quốc. Dù các chuyến bay từ Nhật về TPHCM nhiều, khách đông nhưng nhiều người trong số đó là doanh nhân.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, một trong những hạn chế, tồn tại hiện nay là cơ chế thay đổi chậm, thiếu đồng bộ. Ông Kỳ dẫn chứng, ở các nước, vấn đề chính sách visa có sự thay đổi hết sức linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Còn chúng ta có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch hiện nay cũng khá mơ hồ trong khi thực tế, nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Việc triển khai chính sách còn chậm và khó đã khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu, bao gồm cả trong chính sách xúc tiến du lịch.

Cần chính sách linh hoạt

Để tạo đột phá cho du lịch Việt trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Đồng thời kết nối chặt chẽ các sản phẩm của các địa phương để tạo ra các tour du lịch hấp dẫn du khách. Chính sách thị thực thông thoáng và dài hạn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế, là đòn bẩy giúp cho du lịch phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong cuộc đua thu hút khách quốc tế.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành, tăng cường liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang trực tiếp triển khai hoạt động đón và phục vụ du khách cần nghiên cứu và có những đề xuất cụ thể đối với cơ quan quản lý.

Còn bà Phan Thị Thúy Dung - đại diện Tập đoàn Sungroup kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới. Trước mắt, có thể cân nhắc đề xuất miễn thị thực trong thời gian ngắn, cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ...

Bên cạnh vấn đề về chính sách thị thực thì việc việc phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích cầu chi tiêu là rất cần thiết. Ngành du lịch cần liên kết với các ngành như nông nghiệp, công thương để tìm cách tạo sản phẩm tăng chi tiêu, mua sắm của du khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, địa phương sẽ ưu tiên ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển điểm đến du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc sắc gắn với sự kiện, lễ hội âm nhạc, văn hóa, thể thao, các sản phẩm du lịch đêm… Song song đó là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu hút các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật lớn của quốc tế đến Việt Nam, qua đó phát triển du lịch gắn với các sự kiện văn hóa tầm cỡ, chuyên nghiệp.

Thời gian tới, Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông quảng bá qua KOLs, người nổi tiếng. Đây là chiến lược thành phố đã làm trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, Sở Du lịch TPHCM sẽ đẩy mạnh truyền thông thu hút khách nhờ chính sách thị thực mới. Phát triển mỗi quận, huyện có một sản phẩm đặc trưng. Tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp với nhau thông qua các liên kết vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO