Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", nhìn lại một năm chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở: Tại sao du lịch Việt Nam mở cửa sớm song tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Chúng ta cần làm rõ nguyên nhân "đi trước, về chậm".
Khơi thông thị trường
Thời điểm này, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang đón những đoàn khách Trung Quốc quy mô lớn. Việc khơi thông thị trường Trung Quốc (từ 15/3) là cơ hội vàng để ngành du lịch tăng tốc hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Ngay từ ngày mở đầu tour, hàng trăm du khách Trung Quốc đã vào Việt Nam theo cửa khẩu đường bộ. Đoàn đông nhất gồm 124 người từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và nhập cảnh tại Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ngoài ra còn có khoảng gần 300 khách khác vào Việt Nam thông qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Lào Cai.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", nhìn lại một năm chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam. Trước hết, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng.
Giám đốc Công ty BT Tour Lê Hồng Tú thông tin, ngày 16/3, công ty đón đoàn 16 khách Trung Quốc từ Thượng Hải đến TPHCM bằng đường hàng không. Đoàn khách ở Việt Nam 8 ngày, tham quan, trải nghiệm nhiều dịch vụ tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận) và TPHCM. Riêng tại Phan Thiết (Bình Thuận), đoàn khách trên sẽ lưu trú khách sạn 4 sao, trải nghiệm lái xe jeep ở đồi cát trắng, thăm tháp Po Sah Inu, suối Tiên, Lâu đài rượu vang… "Đây là đoàn khách chi tiêu cao. Chúng tôi tư vấn khách ăn tối tự do, vừa trải nghiệm ẩm thực bản địa vừa đóng góp thêm cho kinh tế địa phương" – ông Lê Hồng Tú chia sẻ, đồng thời cho biết đơn vị sẽ đón thêm các đoàn khách từ Thượng Hải vào tháng 4.
Bên cạnh đó, Công ty CP lữ hành quốc tế Toàn Cầu Việt Nam cũng thông tin, đơn vị đã đón 46 khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch vào ngày 19/3. Công ty CP lữ hành quốc tế Kim Liên, Công ty lữ hành Hanoitourist cũng cho biết sẽ đón các đoàn khách Trung Quốc vào cuối tháng 3 này.
Nhìn nhận du khách Trung Quốc là thị trường nguồn quan trọng của du lịch Việt Nam (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam), ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Thị trường du lịch Trung Quốc “đóng băng” là nguyên nhân quan trong khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng, việc thị trường này đưa khách trở lại Việt Nam là cơ hội vàng cho doanh nghiệp du lịch hồi phục.
Chung quan điểm về thị trường khách Trung Quốc đóng vai trò thúc đẩy du lịch Việt Nam, tuy nhiên ông Lê Công Năng - nhà sáng lập công ty du lịch Wondertour nhìn nhận: Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, nhưng thực tế chúng ta còn chưa chạm tới nhiều hơn phân khúc cao cấp, chi tiêu cao. Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp dần tính tới sự phát triển theo chiều sâu đón những đoàn khách có chi tiêu cao. Để thu hút du khách quốc tế nói chung, điều quan trọng nhất là tạo nên văn hóa du lịch văn minh, tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng. “Trở thành điểm đến hấp dẫn khách nước ngoài là đề tài khó mà du lịch Việt Nam theo đuổi hơn 20 năm qua. Việc quy hoạch để tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế nhưng vẫn tạo được nét riêng là yêu cầu cấp thiết”, ông Năng gợi mở.
Tận dụng cơ hội vàng
Làm gì để tận dụng cơ hội vàng du lịch, và làm cách nào để du lịch Việt không chỉ là điểm đến của du lịch giá rẻ là những vấn đề được đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc du lịch Việt Nam phải làm mới bằng các sản phẩm du lịch cao cấp hơn để du khách chi tiêu nhiều hơn thay vì chạy theo số lượng. Mặt khác cần tăng số nước được miễn visa, kéo dài thời gian lưu trú…
Theo ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang, muốn tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần chỉn chu ngay từ đầu. “Thời gian khó khăn do Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tạo nên các tour giá rẻ để hút khách. Những tour này chỉ mang tính chất tình thế, có thể yếu về chất và lượng. Vì thế, cơ hội mở cửa này, nếu chúng ta không làm mới, thay đổi lại sẽ tạo tiền lệ xấu và có thể tạo hiệu ứng ngược với du lịch Việt Nam”, ông Hà lưu ý.
Cụ thể hơn, bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) nêu rõ, tài nguyên du lịch Việt xứng đáng trở thành điểm đến được du khách chi mạnh nhất, chứ không phải nơi du lịch giá rẻ. Bà Nguyện cho biết, khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch bằng tour giá rẻ rất nhiều. Tuy nhiên, không phải vì du khách không có nhiều tiền mà bởi khách sạn, tour du lịch của chúng ta có chất lượng không thua kém họ, nhưng giá lại rẻ hơn. Vì thế, có thể thấy rõ chúng ta đang tự "dìm hàng", tự biến bản thân thành điểm đến giá rẻ trong khi thiên nhiên, du lịch Việt xứng đáng có giá hơn. Chúng ta phải phát triển sao cho đúng chứ không phải chỉ giá rẻ là tốt, đó là cạnh tranh không lành mạnh.
“Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn khi cuộc cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu. Năm 2023 chúng ta đặt mục tiêu 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ VHTTDL thì năm 2030, Việt Nam kỳ vọng đón 35 triệu khách nhưng Thái Lan đến năm 2027 đã muốn đón 80 triệu khách rồi. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá, có những cải cách mạnh hơn nữa ngay bây giờ thì chúng ta sẽ đi sau rất xa" - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường.
Để đón bắt cơ hội này, PGS.TS Phạm Trung Lương - Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng: Chúng ta phải thiết kế, xây dựng được sản phẩm, dịch vụ du khách họ cần. Chúng ta mong muốn đón bắt cơ hội này, bứt tốc thì không còn cách nào, phải chuẩn bị thật kỹ để “đón khách đến nhà”. Thái Lan, Indonesia, Singapore… là những đối thủ lớn, họ có nhiều lợi thế và sức cạnh tranh. Vì thế chúng ta không thể lơ là.
Ông Lương phân tích, thị trường Trung Quốc có rất nhiều phân khúc khách khác nhau. Các doanh nghiệp cần xác định nhắm tới phân khúc nào. Khi xác định rõ được vấn đề này thì sẽ có sự chuẩn bị phù hợp với phân khúc đó. Ngoài ra, ông nhấn mạnh, muốn du lịch bền vững cần xây dựng hình ảnh Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ. Trong chiến lược phát triển du lịch, chúng ta nêu rõ việc quan tâm nhiều đến chất lượng.
Bày tỏ tiếc nuối khi tỷ lệ tăng trưởng về lượng khách của Việt Nam đã vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á nhưng tổng mức chi tiêu của du khách chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhận định, nguyên nhân lớn nhất do chúng ta đang bỏ lỡ 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm. Với du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỉ USD trong năm 2020.
"Liên kết chuỗi giá trị là "chìa khóa" giúp ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh và các thành phần trong chuỗi giá trị, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ... đều hưởng lợi. Chúng ta cần phát động một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch như chiến dịch "SMILE" mà Thái Lan đã làm, trong đó, nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ. Các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam tiêu tiền, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị.
Để du lịch bứt phá
Thời gian qua, chính sách visa được cho là một trong những rào cản lớn khiến Việt Nam chưa hút được nhiều khách quốc tế. Hiện Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử (eVisa) cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc miễn 66 quốc gia… Đài Loan (Trung Quốc) khôi phục chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Hàn Quốc nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm…
Tại TPHCM - một trong những điểm đến sôi động nhất Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, visa là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở rộng đối tượng được cấp visa, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của du khách.
Về hạn chế trong chính sách visa, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực, nhiều nước có cách làm mở với chính sách thông thoáng thì chính sách visa của Việt Nam tuy có nhiều đổi mới, tiến bộ, song, so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
TS Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch: Cần coi chính sách visa là một công cụ cạnh tranh
Nếu cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch là thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp du lịch, đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước. Giải cứu du lịch quốc tế không chỉ là cứu các doanh nghiệp du lịch, hàng không, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp, mà còn mang lại nhiều cơ hội bán hàng và tăng thu nhập cho người nghèo bán rong, vắng khách tại các thành phố du lịch, cuộc sống họ khó khăn hơn nhiều. Mỗi khách quốc tế vào, cơ hội bán thêm món quà của em bé bán hàng rong trên Sa Pa tăng, cơ hội cho người nghèo thoát nghèo cũng từ đây.
Do đó, cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần. Hiện khách ở tại Việt Nam, qua Singapore quay lại không được, vậy họ đi luôn. Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Hay toàn bộ khách từ các nước thành viên EU miễn hết visa cho họ. Đây là đối tượng khách an toàn, văn minh thân thiện. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm, giới thiệu, phát triển…
Với khách từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ (những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam), nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn 5 - 10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam. Miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf). Đồng thời miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Cần tạo điều kiện đối tượng siêu giàu vào để tăng doanh thu sân bay, khách sạn sang… Đặc biệt, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước. Cần coi chính sách visa là một "công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế của Việt Nam".
Đáng lưu ý, hiện nhiều doanh nghiệp làm du lịch nhưng chú trọng dịch vụ visa hơn dịch vụ du lịch. Nhiều du khách cho biết, công ty này báo giá làm visa từng ngày, công kia đắt hơn, rẻ hơn… Đó không phải là giá nhà nước đưa ra mà là giá dịch vụ, nó đẩy đến vấn nạn tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp làm du lịch thì kém, làm visa thì giỏi và ngược lại. Loại hình dịch vụ visa du lịch đang làm méo mó chính sách visa, bởi thay vì hỗ trợ, họ lại "hành" du khách để lấy tiền. Chính sách visa cần "xóa sổ" vấn nạn tiêu cực này.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Làm gì để thu hút du khách chi trả cao?
Hiệp hội Du lịch Việt Nam là một tổ chức xã hội với thành phần có 57 thành viên là các hiệp hội của các tỉnh, các thành phố, có 6 hiệp hội chuyên ngành, 2 hiệp hội vùng có 15.000 hội viên là doanh nghiệp, hơn 30.000 hội viên là cá nhân trực tiếp. Đây là lực lượng đủ mạnh để có thể làm được nhiều việc cho hoạt động khôi phục ngành du lịch.
Về chương trình Nhà nước đưa ra để đẩy nhanh phục hồi du lịch, theo tôi phải đưa ra những chính sách hết sức cụ thể để có thể giao cho từng cơ quan làm ngay. Bên cạnh đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trong đó có một số việc cần làm ngay, đó là chuyển giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới được thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch. Việt Nam muốn đón loại khách chi trả cao, để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia vào để chuyển khách hàng cho chúng ta.
Về quỹ phát triển du lịch, phải hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp du lịch từ quỹ này để triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. Tạo điều kiện cho Hiệp hội Du lịch tổ chức văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm và đặc biệt hỗ trợ các hoạt động xúc tiến của văn phòng ở nước ngoài.
Để thu hút loại khách chi trả cao đến Việt Nam và để Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp thì có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. Hiện nay một loạt các sản phẩm mới ra đời, trong đó có sản phẩm Nhà nước phải hỗ trợ ví dụ như du lịch thể thao. Như golf chỉ là môn thể thao nhưng thực chất trở thành sản phẩm du lịch hết sức quan trọng và số lượng khách đến Việt Nam đánh golf ngày càng đông. Năm 2019, riêng Hàn Quốc có 5 triệu khách đến Việt Nam trong đó có hơn 1 triệu khách du lịch đến đánh gofl. Chúng tôi nghĩ rằng, với lượng khách ấy thì chi phí để trả cho Việt Nam cũng đến 2 - 3 tỉ USD. Nước nào cũng phát triển rất nhiều sân golf để hút khách, nên chúng tôi đề nghị Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Bởi 20 năm trước chúng ta nghĩ chơi golf là xa xỉ vì vậy chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng thực ra bây giờ thì toàn khách du lịch. Đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu để có thể giảm từ 20% xuống 10%, hay 5% hoặc miễn được thì nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn cho du lịch Việt Nam.