Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít bệnh viện tự chủ lâm vào tình trạng khó khăn bởi lượng bệnh nhân giảm trong khi vẫn cần những khoản chi cho công tác chống dịch. Để làm rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn của bệnh viện tự chủ trong tình hình hiện tại, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn của bệnh viện tự chủ hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Thực hiện tự chủ ở các bệnh viện hiện nay có rất nhiều thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi thứ nhất đến từ cơ chế tự chủ, tự chủ chi tiêu thường xuyên, tự chủ công tác tổ chức cán bộ, công tác nội bộ. Bệnh viện tự xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ dựa trên quy định pháp luật và hành lang pháp lý, việc chi tiêu nội bộ là chi tiêu thường xuyên để đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện. Với cơ chế tự chủ, bệnh viện giảm được rất nhiều phiền hà cho công tác hành chính.
Trước đây, có những khoản chi rất nhỏ nhưng phải xin rất nhiều cấp mới được chi, trong khi hành lang pháp lý có rồi lại phải xin thêm nhiều giấy phép con.
Thứ hai, tạo ra động lực phấn đấu công tác cho nhân viên y tế và người lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm tốt hưởng tốt, ai lười nhác không làm thì không hưởng do đã xây dựng cơ chế với nhau. Đồng thời, cùng nhau cố gắng làm tốt thì sẽ có thêm nhiều bệnh nhân, sẽ có thêm nguồn thu, từ đó đời sống của người lao động cũng sẽ cao hơn. Trước đây dựa vào nhà nước nên một bộ phận người lao động sẽ có tâm lý ỷ lại.
Hơn nữa, cơ chế tự chủ giúp bệnh viện giữ được nhân tài, đây là điều rất quan trọng, họ tự lo đời sống cho nhau thì họ tự tôn vinh nhau, ai làm tốt, người nào giỏi thì được hưởng chế độ cao hơn. Những người xứng đáng sẽ được cơ cấu vào vị trí hợp lý. Có như vậy thì họ mới giữ được nhân tài, tuyển dụng được nhân tài, tránh chảy máu chất xám của bệnh viện. Với cơ chế cũ lương thấp chế độ thấp thì bác sĩ họ bỏ đi làm bệnh viện tư hết.
Mặc dù những thuận lợi là vậy, nhưng khó khăn cũng không ít. Khó khăn đầu tiên phải nói đến là chính sách chưa trọn vẹn, có nhiều cái cũ chưa phù hợp.
Ví dụ như nhân lực bố trí cho y tế hiện đang được quy định tại Thông tư 08/2008/TT-BNV về số người chăm sóc 1 giường bệnh là 1,4-1,6 người, điều đó là phù hợp với bệnh viện chưa tự chủ bởi kinh phí nhà nước có hạn, nhưng tại bệnh viện tự chủ, nhu cầu của bệnh nhân ngày càng tăng cao, bệnh nhân cần thêm nhiều dịch vụ y tế khác thì số nhân viên y tế như vậy là chưa phù hợp.
Một khó khăn khác nữa là những quy định về mua sắm hàng hóa, mua sắm đồ dùng trong bệnh viện. Đơn cử, việc mua sắm 1 chiếc ô tô để phục vụ bệnh nhân cũng rất khó khăn. Hay việc các bệnh viện cần mua thông qua Trung tâm mua sắm tập trung cũng rất khó khăn, bởi thường xuyên xảy ra tình trạng mua đắt, mua chậm thậm chí mua sai chủng loại, quy cách.
Ông đánh giá thế nào về vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh? Theo ông, nguyên nhân do đâu khiến tình trạng nợ lương nhiều tháng diễn ra?
- Bệnh viện Tuệ Tĩnh khi được giao cơ chế tự chủ chưa đo lường được cơ quan này có khả năng tự chủ được hay không, người xây dựng đề án chưa trả lời được câu hỏi nếu tự chủ thì làm gì để tự chủ. Không có kế hoạch, không đặt ra bài toán để trả lương cho nhân viên, thu nhập cho cán bộ nhân viên, kinh phí mua sắm trang thiết bị, kinh phí hoạt động thường xuyên, làm thế nào để có khách hàng, có kỹ thuật gì để khách hàng đến với mình.
Khi không có khách hàng thì không có lương cơ bản, Ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải nhìn nhận và xem xét nguyên nhân vì sao không có khách hàng, do Covid-19 hay nguyên nhân khác, nếu 1 tháng không có lương trả thì phải báo cáo cấp trên, chứ để đến 8 tháng là không chấp nhận được.
Ông vừa nhắc đến việc đo lường khả năng tự chủ của bệnh viện, vậy nguyên nhân chính là do đơn vị xin tự chủ hay do cơ quan cho phép tự chủ?
- Nguyên nhân đầu tiên là do bệnh viện xin tự chủ nhưng chưa có Hội đồng, Ban lãnh đạo, Ban trị sự để làm tốt việc tự chủ của mình.
Mỗi chuyên khoa cũng có những nét khó khăn riêng nhưng bản chất của tự chủ là một cơ chế ưu việt thực sự, và là cơ chế để thực sự phát huy được nguồn lực của con người.
Vậy bài học rút ra từ vụ việc này là gì, thưa ông?
- Thứ nhất phải đặt câu hỏi mình có tự chủ được không? Đã có gì để tự chủ, cụ thể là cơ sở vật chất, con người, cơ chế mình đang có như thế nào và làm thể nào để thu hút bệnh nhân, nếu tự chủ thì bắt đầu từ đâu, làm thế nào, không thể xin tự chủ mà không có một động thái nào để thực hiện.
Ví dụ như Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện tự chủ đầu tiên của Hà Nội, những ngày đầu thực hiện tự chủ cũng rất khó khăn, cũng có thời điểm không có tiền Tết cho anh em.
Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng các phương án tiết kiệm điện nước, nguyên vật liệu và làm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao dịch vụ để thu hút được càng nhiều bệnh nhân. Bởi lẽ, có bệnh nhân thì bệnh viện mới có thể thành công tự chủ.
Trân trọng cảm ơn ông!