Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) vừa tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là lần thứ 3 dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến góp ý. Nhiều ý kiến cho rằng nhiều điều khoản vẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương 19 Điều áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, Chương II, về Tổ chức lễ hội là phần nội dung được đánh giá có nhiều điểm mới.
Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu văn hóa, GS TS Lê Hồng Lý- nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhận xét: “Nghị định không thể bao hàm tất cả những điều mà mọi người đang quan tâm, nên chắc chắn phải có điều chỉnh. Ví dụ, những từ ngữ như loại bỏ, bài trừ… nên nhẹ đi sẽ phù hợp hơn. Hay như lễ hội chém lợn là phong tục tập quán và phải hiểu nó thì mới thấy giá trị, chứ không phải thấy người ngoài kêu phản cảm mà cũng cũng kêu theo là không được”.
GS TS Lê Hồng Lý cũng phân tích tại “Điều 10, Chương II: Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội” là chưa “chặt chẽ”. Ở quy định này theo tôi Festival hay tổ chức lễ hội mới thì quy định, còn nếu với lễ hội dân gian thì phải xem xét cái nào phải đăng ký cái nào không. Tương tự như “Điều 12, Chương 2: Văn bản thông báo tổ chức lễ hội định kỳ” là chưa hợp lý. Không thể cấm người tổ chức mời bao nhiều người, mời những ai cũng phải báo cáo?. “Dự thảo Nghị định đang tạo nên cảm giác Nhà nước vẫn tham gia quản lý nhiều quá. Tức là vai trò để cho nhân dân tự quản lý nhất là với các lễ hội dân gian vẫn chưa có.
Bên cạnh việc phải “cẩn trọng” trong ngôn ngữ sử dụng nhằm tránh sự áp đặt, theo TS Lê Thị Minh Lý- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, cần phải tách bạch khái niệm quản lý lễ và quản lý hội thành hai vấn đề khác nhau. Chúng ta ngầm hiểu phạm vi điều chỉnh là quản lý lễ hội thì có bao gồm cả hội trong đó. Chúng tôi đọc cũng thấy đang quản lý hội cộng đồng. Trong này có nhầm lẫn là chỗ thì định hướng, chỗ thì quy định. “Hà Nội có khoảng 1.300 vừa lễ vừa hội thì làm sao quản lý được? Cái đó để cộng đồng quản lý. Từ bao đời nay vẫn thế rồi. Cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác bao lâu rồi thì mình còn quy định làm gì?” TS Lê Thị Minh Lý cho hay.
Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận xét: “Quy định về ý thức người dân ở Dự thảo này còn chung chung, không cụ thể, dễ hiểu nhầm và thiếu chế tài. Quản lý xã hội khác quản lý trong công sở, nó phức tạp và cần chế tài riêng, nhưng ở Dự thảo Nghị định không có. Ngoài giải pháp tuyên truyền cho mọi người nhận thức, phải có giải pháp tuyên truyền theo từng đối tượng đồng thời có chế tài xử phạt”. Hay dự thảo Nghị định được cho là chưa sát thực tế khi quy định, mỗi cơ sở thờ tự không đặt quá 2 hòm công đức.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương- cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Cục sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các nhà văn hóa, những người có chuyên môn để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Theo kế hoạch sau các cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, bộ, ngành liên quan cũng như ý kiến đóng góp rộng rãi trên website, trong tháng 12/2017, Bộ VHTT&DL sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý, tổ chức lễ hội và trình Chính phủ ban hành dự kiến trong quý I năm 2018.