Xung quanh dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 đang được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đặng Ứng Vận- Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, Hà Nội.
Ông Đặng Ứng Vận.
PV: Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2107 đang được đưa ra lấy ý kiến có đưa ra việc bỏ điểm sàn vào ĐH. Quan điểm của ông thế nào?
GS.TSKH Đặng Ứng Vận: Những năm trước nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến một thực tế là các trường công, các trường trọng điểm vẫn có quyền lấy tới điểm sàn và như vậy đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần của các trường tư, đặc biệt là các trường mới được thành lập.
Tại sao không đặt các trường công và trường trọng điểm vào một thách thức tương tự như các trường tư, tức là, các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá ví dụ 15% số thí sinh có điểm cao nhất, các trường công không được lấy quá 30% số thí sinh có điểm cao nhất? Về thực chất, quy định này tạo động lực cho các trường công, trường trọng điểm phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng và uy tín của họ.
Trong khi đó, sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường ĐH trong đó có các trường tư thục làm cân bằng cung cầu lệch sang cung trong vùng đồng bằng Bắc Bộ khiến cho các trường lâm vào thế cạnh tranh gay gắt trong khi nguồn tuyển bị hạn chế. Thời mà những người chịu khó học tập, có năng lực mới vào được đại học đã xa rồi, thay cho nó là học thế nào cũng vào được đại học.
Các trường nước ngoài đã gần như chiếm hết phân khúc con nhà giàu, các trường công chiếm hết các học sinh khá giỏi. Vậy các trường tư chỉ còn khu vực thị trường học sinh trung bình yếu và gia đình trung lưu và nghèo có thu nhập tăng giảm theo đà phát triển hoặc suy thoái kinh tế của đất nước. Nếu nguồn tuyển bị hạn chế, các trường công cũng lấy tới điểm sàn thì điều tất yếu là các trường tư không còn nguồn tuyển nữa.
Trong bối cảnh xã hội nhiều khi chưa thực sự yên tâm về giáo dục khu vực ngoài công lập, theo ông cần có những giải pháp nào?
- Theo tôi, quan trọng nhất là làm sao để việc học trở thành hứng thú của thế hệ trẻ và các cháu muốn học là được học, không ép buộc, càng không hạn chế và ngăn cản. Theo đó, cần coi phân hệ tư nhân là một trong hai cánh của hệ thống giáo dục quốc dân, có tầm quan trọng như phân hệ công lập, đặc biệt là ở trình độ ĐH. Muốn vậy, điều quan trọng trước tiên là cần làm rõ những luận điểm cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển các trường ngoài công lập.
Cụ thể, là chấp nhận thị trường giáo dục như là một thực tế khách quan để biết cách tận dụng ưu điểm khắc phục nhược điểm của cơ chế thị trường. Chấp nhận lợi nhuận trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục và cơ sở giáo dục đồng thời định nghĩa rõ về khái niệm phi lợi nhuận và cơ sở giáo dục phi lợi nhuận.
Bên cạnh đó, mô hình quản lý cần phải mềm dẻo để đạt tới sự bình đẳng xã hội về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH đồng thời thích hợp với những đặc điểm của trường tư so với các trường công lập. Mô hình quản lý nên giúp cho việc ngăn chặn hoặc giải quyết các mâu thuẫn tiềm ẩn trong trường ngoài công lập bằng những định chế hợp lý. Về phía các trường cũng đòi hỏi phải tự hoàn thiện theo hướng một nhà trường xuất sắc, khẳng định thương hiệu và uy tín trong xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!