Cộng dồn nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với 10 triệu tấn Amiăng đã và đang trở thành chất thải nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Ngày 6/11, tại thành phố Lạng Sơn, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo “Vận động đưa Amiăng trắng vào danh sách chất thải độc hại và yêu cầu dán nhãn các vật liệu có chứa Amiăng tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của các Bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Amiăng là loại khoáng chất silicat dạng sợi, có tính năng như độ bền cơ học, độ bền hóa chất, chịu nhiệt, chịu ma sát, cách nhiệt, cách âm tốt… nên đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước, trong nhiều sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp Fibro xi măng.
PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhấn mạnh, trong nhiều năm, lượng Amiăng nhập vào Việt Nam là khoảng 60 nghìn tấn/năm.
Cộng dồn nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với 10 triệu tấn Amiăng đã và đang trở thành chất thải nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Đặc biệt, 95% tấm lợp có chứa Amiăng được phân bố tại vùng miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mà họ không hề biết những tấm lợp này rất độc hại.
Đối với tỉnh miền núi Lạng Sơn, hiện tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn, các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sử dụng tấm lợp Fibro xi măng để lợp nhà, chuồng trại, nhà xưởng…vẫn ở mức cao, khoảng 40-60% thậm chí có nơi lên đến 80%.
Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Lâm Văn Viên, do tác hại của tấm lợp có chứa Amiăng không nhìn thấy ngay mà âm ỉ trong nhiều năm, nên người dân vẫn chủ quan, chưa thấy sợ.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đề xuất, muốn thay đổi suy nghĩ của người dân vùng sâu, vùng xa không sử dụng tấm lợp có chứa Amiăng cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Cùng với đó, phải có nguồn hỗ trợ kinh phí để người dân thay thế tấm lợp bằng chất liệu khác…
Tại hội thảo, các đại biểu là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và người có uy tín đã được các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ hơn về sản phẩm và tác hại của vật liệu có chứa chất Amiăng; vận động đưa Amiăng trắng vào danh sách chất thải độc hại và dán nhãn các vật liệu có chứa Amiăng.
Đây là lần thứ 2, hội thảo được tổ chức tại Lạng Sơn nhằm khuyến cáo, chung tay tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa chất Amiăng, dần dần thay thế bằng các sản phẩm khác không gây hại đến sức khoẻ của con người và thân thiện với môi trường.