Các lãnh đạo thế giới sẽ cùng tụ họp ở London trong ngày 4/2 tới trong nỗ lực chung nhằm kêu gọi thành lập một quỹ 9 tỷ USD để giúp đỡ hàng triệu người dân Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến kéo dài ở nước này, kéo theo một cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có ở Trung Đông và châu Âu.
Hơn 700.000 trẻ em di cư không có cơ hội được đến trường. (Nguồn: BBC).
Hội thảo quyên góp này, được tổ chức lần thứ tư, mang theo kỳ vọng rằng sẽ đáp ứng được yêu cầu của LHQ trong việc thành lập được một quỹ ủng hộ lên tới 7,73 tỷ USD để giúp đỡ người dân Syria, thêm vào đó là một khoản tiền khác trị giá 1,23 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng di cư.
Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ tiếp đón hơn 70 lãnh đạo quốc tế, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Lebanon Tammam Salam và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong hôm thứ Năm tới.
Cuộc nội chiến ở Syria, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011, đã cướp đi hơn 260.000 sinh mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Cuộc xung đột cũng khiến 4,6 triệu người Syria phải tìm kiếm tị nạn ở các nước khác trong khu vực như Ai Cập, Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq trong khi hàng trăm nghìn người khác tìm đến châu Âu và đôi lúc phải đánh đổi mạng sống của họ khi băng qua Địa Trung Hải.
Từ câu chuyện thương tâm về cậu bé Aulan Kurdi - thi thể được tìm thấy trên một bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ - cho đến cậu bé 16 tuổi Ali bị chết đói ở thị trấn Madaya, Syria mới đây… thế giới cuối cùng đã nhận ra những ảnh hưởng ghê gớm của tình trạng bạo lực đối với những con người vô tội.
Để có hành động phản ứng, những bên quyên góp cần phải làm nhiều hơn là chỉ cần bỏ tiền ra, ông Cameron thúc giục. “Chúng ta cần phải có thỏa thuận hành động”, ông Cameron nói, thúc giục các nước láng giềng Syria giải quyết vấn đề công ăn việc làm và giáo dục cho người di cư.
“Đây không chỉ là lợi ích của riêng Syria và các nước láng giềng” - ông Cameron nói thêm - “Nó còn là lợi ích của châu Âu”.
Cuộc đua nước rút
Trước cuộc hội thảo quan trọng diễn ra vào ngày 4-2 tới, ông Cameron đã đề xuất tăng cường thương mại giữa Jordan và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi các nước láng giềng đưa ra mức hạn ngạch đối với nhân công người Syria ở một số khu vực kinh tế nhất định, nhằm tăng khả năng có việc làm cho người dân Syria.
Trong khi các chính sách mở cửa nhằm tiếp đón hàng trăm nghìn người di cư của Thủ tướng Angela Merkel đang chịu nhiều chỉ trích, thì nước Đức cũng đến với hội nghị này với mục tiêu quan trọng là phải hạn chế số người di cư đến nước họ.
“Xét về dài hạn, giáo dục và việc làm là yếu tố cần thiết để ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu” - Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói.
Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Muller mới đây cũng hé lộ trước báo giới rằng EU có thể sẽ thành lập một “liên minh việc làm” nhằm tạo ra khoảng 500.000 việc làm cho người di cư ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Chính sách này được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy khả năng kiếm được việc làm của người di cư ở các nước mà họ đang lưu lại, tránh việc dòng người di cư di chuyển qua lại các nước EU.
Hội thảo này, diễn ra chỉ vài ngày sau khi các vòng đàm phán hòa bình Syria bắt đầu tại Geneva, tập trung vào vấn đề giáo dục với bối cảnh là 700.000 trẻ em di cư đang không có điều kiện đến trường.
“Chúng ta đang cần mọi nguồn lực và các nỗ lực chung để cứu lấy một thế hệ trẻ em. Đó là một cuộc chạy đua nước rút” - ông Peter Salama, Giám đốc UNICEF ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhận định.
Chung tay vào nỗ lực cứu rỗi một thế hệ trẻ em, cô bé trẻ tuổi người Pakistan từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình Malala Yousafzai cũng tự mình tổ chức một đợt quyên góp với cam kết sẽ ủng hộ trẻ em di cư Syria khoản tiền 1,4 tỷ USD mỗi năm.
Thế nhưng, để giải quyết được vấn đề này, các nhà tài trợ cần phải tỏ ra hào phóng hơn, khi mà năm ngoái, LHQ chỉ nhận được 3,3 tỷ USD tiền quyên góp thay vì mức cam kết trước đó là 8,4 tỷ USD.