Dừa sáp, còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, là một phân loài dừa, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa. Mấy năm nay, dừa sáp đã trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Trà Vinh. Cuối tháng 10 vừa qua, 2.000 quả dừa sáp Trà Vinh vừa đến Australia đã bán hết veo với giá tới 600.000 đồng/quả.
Về hình dáng, dừa sáp giống như quả dừa bình thường nhưng là loại đặc ruột, cơm dày, mềm dẻo và béo hơn dừa thường, nước dừa đặc sệt trong veo như sương sa. Một trái dừa sáp hiện nay được bán với giá tầm 150.000 đồng, có nơi còn lên đến 300.000 đồng, trong khi giá của một trái dừa thường chỉ giao động từ 6.000-12.000 đồng/trái.
Những người nông dân ở Cầu Kè, Trà Vinh cho biết, khoảng năm 2008, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo huyện Cầu Kè xây dựng dự án trồng chuyên canh 50 ha dừa sáp (tương đương trồng 9.000 cây dừa) tại xã Hòa Tân. 78 hộ nông dân, hầu hết là người dân tộc Khmer ở ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 được dự án hỗ trợ 60% tiền cây giống cho nông dân và hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng dừa. Sau khoảng 3-4 năm cây dừa sáp sẽ cho quả. Nếu chăm sóc kỹ, khoảng 27 ngày thu hoạch một đợt dừa trái, mỗi cây dừa có thể thu hoạch đến 13 lần trong năm.
Qua thời gian, đến nay toàn huyện Cầu Kè đã có hơn 22.000 cây dừa sáp, trong đó xã Hòa Tân có gần 17.000 cây, khoảng 40% đã cho trái.
Trước đây, dừa sáp là cây trồng chủ yếu để ăn tươi. Thời gian gần đây, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật nhân giống dừa sáp nuôi cấy phôi đã giúp sản lượng dừa sáp tăng lên đáng kể. Do đó, việc chế biến đa dạng hoá sản phẩm giúp dừa sáp bảo quản lâu, giải quyết đầu ra và đáp ứng hầu hết các phân khúc thị trường tiêu dùng.
Hiện nay, các dòng sản phẩm dừa sáp khá phong phú: dừa sáp hút chân không, kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi Vicosap… Gần đây mứt dừa sáp Cầu Kè rất hút khách, với giá khoảng 400.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện giá thành giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi vẫn còn cao, khi đến tay nông dân có giá khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng/cây. Ngoài ra, trong quá trình trồng dừa, sẽ tốn thêm phân bón, công chăm sóc, đến khi thu hoạch chi phí mỗi cây dừa sáp khoảng 1,2-1,3 triệu đồng. Mặc dù vậy, theo nhiều hộ dân ở Cầu Kè, du chi phí cao nhưng chỉ cần chăm sóc tốt cây dừa sáp là có thể hoàn vốn sau 2 đợt thu hoạch.
Để trồng dừa sáp sai trái, bà con nông dân nên trồng thưa, mỗi cây cách nhau khoảng 7 m trở lên để hạn chế các tàu dừa giao bẹ với nhau. Đặc biệt, cần thăm vườn dừa sáp thường xuyên nhằm sớm phát hiện bệnh thối đọt, bọ cánh cứng để xử lý kịp thời. Sau khi thu hoạch 3 đợt trái nên bón lót 1 lần phân hóa học cho cây dừa sáp, mỗi năm nên bón 1 lần phân hữu cơ, mùa khô nên tưới nước thường xuyên để tránh cây dừa sáp rụng trái.
Dừa sáp rất thích hợp với đất cát pha nhẹ, có thể trồng xung quanh bờ ao, bờ kênh, nếu trồng diện tích lớn, nên trồng tập trung. Đào hố rộng 80x80 cm, hoặc lên mô, cây cách cây 8x8m rồi trộn phân chuồng + tro trấu + phân hữu cơ, lấp một lớp đất mỏng. Hạ cây dừa xuống, lấp đất chặt, kín ngang mặt bầu.