Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị về luật hay pháp lệnh trước Quốc hội, thậm chí cả sửa đổi Hiến pháp. Thế nhưng, không phải vì có quyền đó mà đại biểu Quốc hội kiến nghị những điều “giời ơi đất hỡi”. Kiến nghị những điều không thiết thực hoặc không phải là vấn đề xã hội đang quan tâm và nhất là trái với quyền công dân.
Mới đây, chiều 29/3, dư luận xôn xao và cho là hài hước khi đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đề xuất việc nam giới mặc áo dài. Bà Khánh cho biết khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người hỏi đại biểu Quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple.
Do đó, bà Khánh đề nghị Bộ VHTTDL trong thời gian tới báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng dần Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Mục đích của đạo luật này, theo đại biểu Khánh, là để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha vì những trang phục này rất đẹp và kín đáo.
Việc bà Khánh mong muốn cả nữ và nam giới đều mặc áo dài là quyền của bà được đề nghị. Tuy nhiên, ở một xã hội mà quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và không xung đột với bất cứ tôn giáo nào thì việc mặc quần áo gọn gàng, lịch sự khi ra nơi công cộng, nơi công sở đều được tôn trọng. Nhất là trong thời đại văn minh này thì việc ăn mặc comple với nam giới đã được thừa nhận và coi là lịch sự từ đầu thế kỷ 20, cách đây hàng trăm năm.
Xét về khía cạnh văn hóa, văn minh, nên khi ban hành quy định về trang phụ nơi công sở, Điều 5, Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ) chỉ quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự”, và “Cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật”.