Kịch lịch sử có những hạn chế trong sáng tạo bởi vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử - những rào cản luôn tốn bút mực của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về ranh giới và quyền hạn được hư cấu ở mức độ nào…
Dàn dựng chỉ để đi thi
Có một thực tế là, ở các liên hoan, hội diễn sân khấu, những tác phẩm khai thác đề tài lịch sử luôn được “ưu ái lựa chọn”. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vừa dàn dựng và cho công diễn vở “Thiên mệnh” là một trong hai vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm nay. Khi được hỏi, phải chăng lựa chọn kịch bản lịch sử an toàn hơn, dễ chiếm được cảm tình của Ban giám khảo và đồng nghiệp hơn thì NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát phân trần là hiện nay, kịch bản hay, có tầm rất hiếm hoi. Vì thế, “Thiên mệnh” của tác giả Hoàng Thanh Du khai thác nhân vật Trần Thủ Độ, người từng có những câu nói rất khảng khái, là nhân vật lịch sử lắm công nhiều tội và cũng tưởng như đã được khai thác đến cạn kiệt của sân khấu Việt vẫn được đơn vị dàn dựng để đại diện cho Nhà hát tại liên hoan kỳ này.
Vở diễn được đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ dàn dựng công phu với sự chân thật, không kèm những màn hài hước vô lý vẫn là công thức gia giảm bấy lâu nay ở một số đơn vị. Chặt chẽ, đầy nội lực và chọn đúng diễn viên cho vở, NSƯT Đỗ Kỷ đã thành công ghi được dấu ấn dàn dựng chắc tay ở vở diễn này. Đóng góp thành công lớn nhất trong tập thể diễn viên là NSƯT Tạ Tuấn Minh trong vai Trần Thủ Độ.
Nhà báo Thế Khoa nhận xét, tôi đã xem nhiều vai Trần Thủ Độ do nhiều nghệ sĩ xuất sắc đủ các bộ môn kịch, chèo, cải lương, dân ca kịch đảm nhận nhưng không thấy ai diễn quỷ quyệt mà chân tình, mộc mạc đầy trí tuệ, phải trái phân minh, riêng chung rạch ròi, dứt khoát như Tạ Tuấn Minh. Có lẽ với vai này, nghệ thuật biểu diễn của anh, đặc biệt là sức mạnh khủng khiếp của đài từ, đã đạt đến đỉnh cao của những nghệ sĩ xuất chúng tiền bối, niềm tự hào của Nhà hát Kịch Việt Nam như các NSND Trần Tiến, Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng… Trên sân khấu Việt Nam, chưa có một nhân vật Trần Thủ Độ nào ít thô bạo mà giàu nội tâm, biết nhìn xa trông rộng, ít học nhưng sâu sắc về phép trị nước, biết kết hợp tâm công và pháp trị như nhân vật do Tạ Tuấn Minh đóng trong “Thiên mệnh”.
Tạo hiệu ứng hình ảnh
Bên cạnh đó là dàn diễn viên rất chuyên nghiệp, chuẩn mực cùng sự trợ giúp của cảnh trí đẹp, ẩn dụ hình ảnh chiếc thuyền - mô tả xuất thân dân chài của vị Thái sư, màn kỹ thuật công nghệ đầy chất thơ về mối tình của ông với Trần Thị Dung và cuộc chiến chống phản tặc… NSƯT Doãn Bằng cũng đã tìm được những hình ảnh phục trang hợp lý, lại được sự thể hiện rất tài ba của NSƯT Tiến Đạt. Phục trang đẹp mà không lấp lánh kim sa kim tuyến, gợi mở liên tưởng của khán giả với âm hưởng của thời đại lịch sử. Với sự đầu tư cả về sức người, kinh phí, vở diễn là một trong những tác phẩm lịch sử hay mà bấy lâu nay sân khấu vẫn ít có.
Sở dĩ sân khấu chỉ thường dựng vở về lịch sử mỗi dịp lễ hội, liên hoan vì dựng kịch lịch sử cần nhắc tới vấn đề đầu tiên là tiền đâu để đầu tư. Thường khi chọn dựng kịch về đề tài lịch sử, các sân khấu đều thấy ngay cái khó đầu tiên là đầu tư cao (kịch bản, trang phục, âm nhạc, thiết kế) sẽ tốn gấp 3 - 4 lần so với dựng một vở diễn sân khấu theo đề tài hiện đại, kén khán giả, dễ bị “thổi còi” vì sáng tạo có quá đà không, có đi ngược lại với quan niệm của nhân dân, từ nhân vật và sự kiện lịch sử đến trang phục, bối cảnh...
Nhà viết kịch Chu Thơm cho hay, với những người cầm bút sau này, điều quan trọng là phải có cái gì đó của riêng mình, nếu không muốn những người thẩm định kịch bản chỉ đọc hai phút là “buông” ngay. Ðể câu chuyện cũ thu hút khán giả, người viết phải nhìn câu chuyện ấy bằng nhãn quan của ngày hôm nay, đưa hơi thở của ngày hôm nay.
Đạo diễn Lê Quý Dương cũng có những nhận định rất thấu đáo: Làm kịch lịch sử, điều khó nhất là phải có tính đương đại. Nếu làm kịch lịch sử giống như lịch sử nguyên bản hiện lên thì làm làm gì? Tuy nhiên, cũng không được xuyên tạc hay bịa đặt, bóp méo lịch sử. Khó là ở chỗ đó. Phải tìm ra được những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử đó. Thực ra thì những vấn đề lớn lao và triết lý nhân văn của loài người cũng chẳng thay đổi nhiều theo suốt chiều dài văn minh của nhân loại… Bởi vậy kịch lịch sử khi được dàn dựng đúng sẽ giúp con người đi vào bản chất các vấn đề của xã hội và tồn tại. Nó làm con người sống tự tin hơn, sáng tạo hơn và điều quan trọng nhất là giữ nguyên vẹn cho mình khát vọng sống và những giá trị nhân văn.
Làm sao để các vở kịch lịch sử có giá trị sẽ đến được với đông đảo nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để giúp cộng đồng hiểu sâu sắc hơn, tinh tế và nhân văn hơn về lịch sử nước nhà, để “dân ta phải biết sử ta” quả là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng cũng đầy hấp lực đối với đội ngũ nghệ sĩ sân khấu…
“Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng nghìn năm luôn là một kho báu để các ngành nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng khai thác. Tuy không phải dày công nghĩ ra những câu chuyện và tuyến nhân vật xung quanh nhưng để có được một vở diễn hay về đề tài này lại không phải là điều dễ dàng. Xuất phát từ cùng một chất liệu đó, người nghệ sĩ phải có những góc nhìn, cách cảm và lối tiếp cận riêng để kịch bản của mình không bị lặp lại khi cùng khắc họa một nhân vật hay tái hiện một thời kỳ lịch sử. Trong nghệ thuật kịch, tính hiện đại của các vở kịch lịch sử chính là vấn đề vở diễn đặt ra và cách giải quyết chúng trong bối cảnh của cuộc sống hôm nay” - NSND Hoàng Quỳnh Mai nhấn mạnh.